chỉ khoảng trên 20, cổ khoác khăn trắng, đai màu xanh, không mang vũ
khí, dáng điệu uy nghiêm, nhưng không dấu được vẻ yêu kiều. Phương
Dung còn trẻ hơn nữa, họ ước đoán nàng chỉ độ 16-17 tuổi, mặc quần áo
lụa xanh cổ khoác khăn hồng đai vàng sẫm, lưng đeo bảo kiếm. Họ thầm
nghĩ không biết cô này làm gì trong đội quân Lĩnh-nam ?
Sau phần giới thiệu, Nghiêm Sơn chỉ định Đặng Vũ thuyết trình trước.
Đặng tường trình về đạo Kinh-châu : quân số trên 25 vạn, trong đó chỉ có
hơn vạn kỵ binh. Mới đây bị tổn thất ba trận liền, được bổ sung nhưng chưa
phục hồi quân khí. Phía quân Thục đương đầu với Kinh-châu có khoảng 15
vạn cố thủ trong thành, quân ít nhưng nhờ địa thế hiểm trở đã làm Đặng Vũ
thiệt quân, mà không có cách nào chiếm được. Theo ý Đặng Vũ nếu có
đánh, chỉ gây tổn thất thêm và không hy vọng chiếm thành.
Thấy y ngưng nói Phương Dung hỏi :
– Đại tư mã, tôi nghe đạo Kinh-châu có Phiêu-kỵ đại tướng quân Sầm
Bành, võ công vô địch Trung-nguyên. Không biết các tướng bên Thục, võ
công như thế nào ?
Đặng Vũ thấy cô bé lên tiếng hỏi, y nhìn Nghiêm Sơn, ngụ ý xem có phải
trả lời hay không.
Nghiêm Sơn nói :
– Tôi xin giới thiệu với Đại-tư mã và chư tướng đây là Đào phu nhân, nhũ
danh Phương Dung. Các vị cứ gọi bằng nhũ danh. Vì người Lĩnh-nam thích
được gọi bằng tên thời con gái hơn là tên chồng.
Bấy giờ Sầm Bành mới đứng lên, chậm rãi trả lời thay Đặng Vũ :
– Võ công của tôi thiên về dương cương. Tôi sử dụng đại đao. Còn tướng
Thục võ công cao nhất là Công-tôn Thiệu và Chu Vũ. Chúng thuộc phái
Thiên-sơn. Chúng sử dụng kiếm. Về võ công chúng thấp hơn tôi một chút.
Đến lượt Ngô Hán thuyết trình. Ngô là người đọc sách, nói năng lưu loát.
Ngô cho biết đạo Hán-trung có 20 vạn quân, trong đó có 4 vạn kỵ binh.
Mới đây bị thua một trận. Tướng Thục là Thái-tử Công-tôn Tư, lĩnh chức
Đại-tư mã, văn võ kiêm toàn, dùng binh giỏi. Kết quả trong cuộc giao chiến
với Thục, Hán thắng 6 trận và bại 4 trận. Thục thủ trong thành kiên cố,
tướng sĩ hết lòng, nên Hán không tiến nổi.