Tướng, soái các đạo cùng nhìn nhau thất kinh hồn vía, tự hỏi : Nghiêm Sơn
là tướng tài kiêm văn võ, mưu lược hơn người, sao lại dùng cô bé này làm
quân sư ? Không lẽ để cô ra trận cho quân giặc mê man mà chết chăng ?
Đợi tiếng xì xào ngớt, Nghiêm Sơn lại mời Trưng Nhị đứng dậy :
– Đây, Trưng Nhị cô nương, quân sư đạo Kinh-châu giúp Đặng tư mã.
Mọi người lại kinh ngạc lần nữa. Biết thế, nhưng Vương lại lờ đi tiếp tục
chỉ Phùng Vĩnh Hoa :
– Còn đây cô nương Phùng Vĩnh-Hoa, quân sư đạo Hán-trung giúp Ngô
tướng quân.
Mọi người nhìn ba cô gái Việt mảnh mai, yểu điệu, thầm nghĩ : các cô gái
xinh đẹp, ẻo lả thế kia, chỉ cần nhìn thấy tướng giặc cũng đủ khiếp vía, vậy
còn điều khiển ai đây ?
Sau đó Vương trao ấn kiếm cho Phương-Dung, Trưng Nhị, Phùng Vĩnh-
Hoa. Rồi Vương nói với Phương-Dung :
– Xin mời quân sư Phương-Dung điều quân .
Phương-Dung tiến lên đài, ngồi xuống cẩm đôn, đặt thanh kiếm lên bàn,
đoạn nàng thản nhiên như đã cầm quân lâu ngày, từ tốn nói :
– Xưa đức Cao-tổ từ Thục xuất chinh đánh Hạng Vũ sở dĩ Hoài-âm hầu
Hàn Tín yên tâm đánh giặc vì biết chắc Thừa-tướng Tiêu Hà cung ứng đủ
lương thực, bổ sung binh mã kịp thời. Lương thực là mạch máu của tướng
sĩ, vậy ta phải chuẩn bị đầy đủ.
Các tướng nhìn nhau, gật đầu tỏ ý khâm phục. Phương-Dung ngừng một
lúc để mọi người thấm ý nàng, đoạn tiếp :
– Vì vậy đạo quân Hán-trung thì các Thái-thú Đông-xuyên, Trường-an,
Lương-châu phải lo cung cấp. Còn đạo quân Kinh-châu thì 9 Thái-thú sở
tại phải lo toan. Số lương thảo phải đủ dùng trong ba tháng. Hẹn một tháng
phải vận tải ra mặt trận. trễ một ngày sẽ chiếu quân pháp trị tội.
Đặng Vũ, Ngô Hán gật đầu bằng lòng vui mừng ra mặt. Còn các Thái-thú
liên hệ nhìn nhau lo sợ. Phương-Dung tiếp :
– Đạo Hán-trung vừa bị hao hụt, cần phải bổ sung tân binh. Ta mới thua,
địch mới thắng, nhuệ khí địch tăng. Nay ta đem tân binh mới mộ ra trận,
làm sao Ngô tướng quân thắng giặc ? Vậy các đô úy 9 quận Hán-trung, 9