– Điều này tối cơ mật, ngay Lĩnh-nam vương gia còn chưa biết. Nhưng tôi
xin bảo đảm quân giặc sẽ bị tê liệt trong vòng nửa giờ. Sau khi lấy được
thành Đặng tư mã sẽ phải cười bò về đạo quân quái gở của tôi.
Phương-Dung tiếp :
– Nữ tướng Hồ Đề cần một quân sư đi theo, vậy đệ nhị quân sư Trưng Nhị
hãy theo giúp. Ta cũng cần một võ lâm cao thủ bậc nhất theo nàng, đề
phòng bên địch cho cao thủ xuất trận. Vậy nữ tướng Phật-Nguyệt, Trần
Năng, Lê Chân sẽ theo trong quân. Tất cả đặt dưới quyền điều khiển của
Long Nhượng đại tướng quân Lại Thế-Cường.
Phương-Dung lại tiếp :
– Về đạo quân Hán-trung tôi sẽ tăng viện cho Xa-kỵ đại tướng quân các
cao thủ đệ nhất. Xin Khất đại phu điều khiển các tướng Quỳnh-Hoa, Quế-
Hoa đi theo trong quân. Đệ tam quân sư Phùng Vĩnh-Hoa sẽ đi theo các vị.
Các vị cũng được tăng cường đặc biệt Trường-yên đại hiệp Cao Cảnh-Minh
với đội thần nỏ Âu-lạc. Sau khi đội quân Tây-xuyên được bổ sung đầy đủ
hãy xuất trận. Trận đầu cần nhất Khất đại-phu trổ thần oai đánh bại đệ nhất
cao thủ địch, làm chúng mất nhuệ khí, quân ta sẽ thừa thế tràn lên, địch
thua một trận tất vào thành cố thủ. Bấy giờ khi quân đánh chiếm thành xin
Trường-yên đại hiệp cho thần nỏ Âu-lạc xuất hiện ở bốn cửa thành bắn chết
tướng trấn thủ. Giặc kinh hồn bỏ chạy, quân sư Phùng Vĩnh-Hoa sẽ có kế
bắt hết.
Đợi mọi người ghi nhớ hết kế hoạch, Phương-Dung tiếp :
– Một giặc cố thủ, trăm người khó đánh. Binh thư còn ghi : "Phù ! Dụng
binh chi đạo, công tâm vi thượng, công thành vi hạ. Tâm chiến vi thượng,
binh chiến vi hạ". Nghĩa là đạo dụng binh cần đánh vào tâm lý địch, hơn là
đánh thành địch. Tâm chiến là kế tốt, binh chiến là kế tồi. Ta cần cho giặc
táng đởm kinh hồn hai trận ở hai nơi Hán-trung và Kinh-châu, lòng chúng
lo sợ, tất bại trận dễ dàng.
Các tướng ngơ ngẩn nhìn nhau. Vì những điều Phương-Dung dẫn ra trong
binh pháp, họ đều thuộc lòng. Nhưng họ không biết cách áp dụng mà thôi.
Nay thấy Phương-Dung áp dụng một cách thần kỳ, thì tỏ lòng khâm phục.
Bất giác họ ngước mắt nhìn quân sư, chỉ vẫn thấy khuôn mặt mỹ ái, nhu