Nghiêm Sơn và chúng tướng nghe trình bày tiếp tình hình địch từng địa
phương, cùng cá tính, khả năng, tật xấu và cả bệnh tật của từ vua là Công-
tôn Thuật cho tới các tướng sĩ văn võ. Đến chiều, Vương truyền bãi họp và
hẹn giờ thìn hôm sau tái họp.
Buổi tối, sau khi cơm nước xong, Nghiêm Sơn mời họp riêng tất cả anh
hùng Lĩnh-nam. Vương hỏi Trưng Nhị :
– Trưng cô nương nghĩ sao ?
Trưng Nhị đặt lại câu hỏi :
– Nghiêm đại ca là ân nhân, anh em kết nghĩa với Kiến-vũ Thiên tử, cần
phải công bằng, coi hai đạo quân kia như đạo Lĩnh-nam. Đó là điều để cho
tướng sĩ phục tùng. Vì vậy, những gì khó khăn có phải đại ca định để cho
đạo Lĩnh-nam gánh vác, những gì dễ dàng sẽ để cho Kinh-châu và Hán-
trung đảm nhiệm. Có đúng thế không ?
Nghiêm Sơn gật đầu. Trưng Nhị tiếp :
– Vậy tôi đề nghị chúng ta chia ra làm ba mặt đánh Ích-châu : mặt Tây do
Ngô Hán, mặt Đông do Đặng Vũ, mặt Nam trao cho Đào Kỳ. Hai mặt kia
địch có quân phòng thủ kỹ lưỡng, ta cần tấn công ráo riết hầu cầm chân
địch. Đồng thời cho quân băng rừng, vượt núi đánh vào sau lưng địch. Khi
ta đột nhập được vào phía sau, địch không kịp huy động quân phòng thủ,
Ích-châu sẽ rối loạn, chỉ cần đánh một trận là xong.
Phùng Vĩnh-Hoa cũng tiếp lời :
– Hôm nay các đạo đều kêu ca binh sĩ, lừa ngựa tổn thất không được bổ
sung. Xin đại ca truyền lệnh bắt Thái-thú 9 quận Kinh-châu bổ sung cho
Đặng tướng quân. Thái thú các vùng Trường-an, Kỳ-sơn, Lương-châu bổ
sung cho Ngô Hán; như đại ca đã ra lệnh cho 6 Thái-thú Lĩnh-nam bổ sung
cho Đào sư đệ.
Minh Giang nhìn Đào Kỳ, Phương-Dung gật đầu tỏ ý thông hiểu. Sau khi
bàn các chi tiết đến tận khuya, mọi người mới đi ngủ.
Sáng hôm sau giờ thìn, lại khai hội. Nghiêm Sơn lên trướng ngồi. Đợi mọi
người an tọa, Vương đứng dậy giới thiệu :
– Hôm nay tôi giới thiệu với các vị tướng quân : Đào phu nhân, quân sư
của chúng ta.