Triệu Anh-Vũ là sư thúc Nghiêm Sơn, ông là người can trường, nói :
– Tôi với Đinh huynh đã bàn, nếu cần hy sinh tính mạng, chúng tôi cũng
quyết làm cho được.
Đào Kỳ ngẩn người nghĩ :
– Anh của Đinh Công-Thắng bị Phương-Dung giết, mà sao Công-Thắng lại
đổi tính mau như vậy ?
Chàng chợt nhớ ra, anh em Lôi-sơn tam hùng chỉ ước muốn làm chúa 36
động Mê-linh, nay Trần Năng nhường chức Thống-lĩnh cho Đinh Hồng-
Thanh rồi, có lẽ vì vậy anh em họ Đinh đã thỏa lòng.
Suốt hai ngày Nghiêm Sơn bàn định với Phương-Dung, Đào Kỳ để quyết
định phương kế tối hậu. Vương cho đánh trống khẩn cấp họp tướng sĩ.
Vương thăng trướng ban lệnh :
– Chúng ta phải tới Thành-đô ăn Tết Bính-thân. Vậy xin các vị sư bá, sư
thúc, chư huynh đệ và tướng sĩ nghe lệnh :
– Đào hiền đệ chỉ huy đạo thứ nhất, bí mật đến Độ-khẩu, làm thế nào tới
nơi mà giặc không biết. Khi tới chia quân làm ba : Đội thứ nhất do Trần
Huệ, ngày đêm tuần tiễu phía Nam Kim-sa giang, đề phòng địch vượt sông
tập kíck. Trần Huệ cũng phụ trách việc tiếp tế lương thảo và bảo vệ đường
liên lạc giữa Đào hiền đệ và Tổng hành dinh của ta. Sư muội Trần Quốc chỉ
huy đội Giao-long binh Thiên-trường chăng dây qua sông. Sau khi vượt
sông Trần muội chia đội Giao-long ra làm hai, mai phục phía ngoài Độ-
khẩu và Hoa-bình, nếu gặp tuần đội tiễu địch phải giết sạch, không để thóat
một mạng. Trong khi đó sư huynh Nguyễn Nhân cùng năm tướng Nghĩa,
Lễ, Trí, Tín và Giao-Chi chỉ huy đội quân ráp cầu phao cho thực nhanh,
làm sao trước lúc trời sáng phải xong 4 cầu phao. Đầu cầu phía Nam do
Giám-sở tế tác Vĩnh-nhân, Ngô Đạt chỉ huy bảo vệ. Đầu cầu phía Bắc do
sư huynh và chúng huynh đệ bảo vệ. Đào hiền đệ phải cho một sư bộ và
một sư kỵ đổ bộ trước khi trời sáng. Sau khi cầu phao làm xong, Đô-đốc
Trần Quốc lập tức trở về Vĩnh-nhân điều khiển Hải đội sẵn sàng, chờ tín
hiệu của nữ tướng Hoàng Thiều-Hoa sẽ đánh thẳng sang bên kia Độ-khẩu.
– Đào hiền đệ cho Lữ bộ mai phục trên đường từ Hoa-bình về Độ-khẩu.
Khi đánh Độ-khẩu tất quân Hoa-bình đổ về cứu. Ta cứ để cho chúng đi, chỉ