đền thờ các anh hùng tuẫn quốc, nào các hố chôn vũ khí, nào trống đồng,
nào dàn Nam Giao. Hồi 1952, thuật gia đã được viếng cố đô Mê Linh, lặn
lội khắp vùng. Bấy giờ mới 13 tuổi. Mãi tới năm 1990 mới được trở lại
nghiên cứu chi tiết.
Đến nay (1990) sau 1948 năm, trải không biết bao nhiêu lớp sóng phế
hưng, mưa nắng, nhưng cố đô vẫn không bị mai một. Dân chúng vẫn thờ
kính, tưởng nhớ công đức chư vị anh hùng.
Tôi đã tổ chức một cuộc du lịch Việt-Nam cho những người yêu văn hóa
lịch sử tộc Việt. Đoàn gồm 36 người, chia ra: Việt 9, Pháp 20, Đức 3, Anh
2, Hòa-lan 1, Bỉ 1. Chi phí rất rẻ, vì chúng tôi chia phí tổn đồng đều. Tôi
làm hướng dẫn viên (Nhưng cũng trả tiền như mọi người). Đoàn đã viếng
thăm 10 kinh đô tộc Việt:
1. Phong-châu thời vua Hùng.
2. Cổ-loa thời vua An-Dương.
3. Mê-linh thời Lĩnh-Nam.
4. Vạn-xuân thời Tiền Lý.
5. Trường-yên thời Đinh, Tiền Lê.
6. Thăng-long thời Lý, Trần, Lê.
7. Tây-đô (Thanh-hóa) thời nhuận Hồ.
8. Đồ-bàn, Chiêm-quốc.
9. Thần-kinh (Huế) thời Nguyễn.
10. Sài-gòn, thời Việt-Nam Cộng-Hòa.
Không biết do tôi thuyết trình hay do hoàn cảnh lịch sử, mà thính giả tỏ ra
cực kỳ xúc động khi viếng Mê-linh và Cổ-loa. Chính tôi cũng cực kỳ rung
động khi thuyết trình. Nếu các cơ sở du lịch của người Việt tại hải ngoại
đọc được những dòng này, mà tổ chức hành hương 10 cố đô của tộc Việt,
thực là vừa nhắc nhở du khách nhớ đến những thời oanh liệt của tổ tiên ta,
vừa thu được nhiều... tiền. Mong lắm.
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ