một kế hoạch tối đại quy mô đủ để chứng minh rằng bao nhiêu những vụ
lặt vặt từ trước đều chỉ do một vụ gốc này mà ra, một âm mưu nung nấu dài
hạn để phá hoại thâm hiểm mà thủ phạm là cả một loạt, từ Milyukov,
Ryabushinsky. Deterding tới Poincaré luôn!
Khi đã hiểu bộ máy tư pháp làm việc như thế nào thì ta mới hay tất cả các
phiên toà đều chỉ là bề ngoài, là phần nổi của cả một hệ thống quan yếu
nằm chằng chịt ngầm bên dưới và mọi tính toán đã xong hết cả. Ngay
những bị can ra toà cũng chỉ chọn lọc để đưa ra, chỉ có một số mà dĩ nhiên
phải là số ngoan ngoãn chịu tự phản tỉnh, tự buộc tội chính mình và tố cáo
đồng chí của mình để may ra có thể thoát nạn chăng.
Sức mấy những tay thừa đủ can đảm, thông minh “đi guốc vào bụng” lại
chịu mắc mưu bọn thẩm vấn viên để xin được ra toà xử công khai như vậy.
Mà kết quả là dù không phản tỉnh, tự thú gì hết thì những bản án có sẵn của
GPV vẫn cứ đồng đều nhau hết: công khai ra toà hay ngấm ngầm bị đưa đi
cũng cứ 10 năm.
*
Hệ thống ống cống ngầm vừa dùng để tiếp nhận những đợt sóng tù mà còn
là ống tháo cho cuộc sống nở hoa bên trên. Đúng vào lúc cần thiết thì phải
nảy ra biện pháp đóng góp chung thì cả nước phải chia đều trách nhiệm
chớ. Những kẻ chưa bị tống xuống miệng cống, chưa theo ống cống dẫn
vào một hòn nào đó trong quần đảo ngục tù thì có bổn phận phải diễn hành
bên trên, vác biểu ngữ đi hoan hô các phiên toà xử, hả hê vì sự phán xét của
Công Lý.
Quả thực vô cùng lo xa! Mấy chục năm qua thế nào chẳng có người ngó lại
dòng lịch sử để nhận định rằng có quần chúng yểm trợ như vậy thì đám
Công an Mật vụ, mấy ông toà ngồi xử cũng như bọn đao phủ hành hình nào
có phạm tội gì? Họ chỉ làm đúng nhiệm vụ của họ, như một công dân mà.
Chẳng qua lúc bạc đầu mới biết mình ngu dại, khốn khổ là đáng đời!
Chính Stalin đã cho lệnh quần chúng biểu dương tinh thần trong vụ án 48
thằng tạo ra nạn đói. Làm gì quần chúng chẳng nổ bùng công phẫn? Nước
Nga xưa nay lúa gạo thừa ăn bây giờ cả nước đói thì hiển nhiên người dân