công nghệ lẫn xã hội, vẫn đang ngày càng tăng tốc, sẽ thay đổi cơ cấu kinh
tế và xã hội.
Hơn nữa, sự thay đổi này có thể dẫn đến sự thay đổi quy mô kinh tế cần
thiết để hoạt động hiệu quả. Tại một số ngành, quy mô tối ưu có thể tăng
lên, nhưng tại một số ngành khác thì có thể giảm xuống. Thông thường,
việc duy trì quy mô nhỏ trong quá trình cải tiến sẽ đem lại nhiều ích lợi cho
doanh nghiệp. Những tổ chức đã thành công trong thời đại công nghệ cũ có
xu hướng “phòng vệ” hơn là “tấn công”. Nhưng những công nghệ của
tương lai lại đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư rất lớn ngay từ những giai đoạn
đầu tiên. Ví dụ, hệ thống truyền thông, liên lạc sẽ phải là những hệ thống
rất lớn.
Tại một số khu vực, quy mô tối ưu có thể sẽ trở nên nhỏ hơn. Chúng ta
được biết rằng thời điểm đó ngành công nghiệp thép đang rơi vào khủng
hoảng trầm trọng. Nhưng điều này không đúng với các “nhà máy nhỏ” sử
dụng phương pháp hoàn nguyên trực tiếp từ các kim loại phế liệu thành sắt
mới. Trong vòng 20 - 30 năm đó, đã có một khối lượng sắt khổng lồ được
sản xuất trên toàn thế giới, đó chính là lý do vì sao có quá nhiều phế liệu có
thể tái sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về thép trong tương lai mà không
cần phải khai thác thêm bất kỳ một mỏ sắt mới nào. Nhưng tại những nhà
máy nhỏ này, nơi sản xuất thép từ phế liệu thay vì quặng sắt, thực tế linh
hoạt hơn rất nhiều so với các nhà máy thép khổng lồ truyền thống.
Trong những ngành công nghiệp khác, quy mô hoạt động kinh tế có thể
đi theo nhiều hướng khác nhau. Những công nghệ mới đầy tiềm năng sẽ tạo
ra những nguồn năng lượng mới - dù là khí hóa hay than đá hóa lỏng, sự
tạo thành khí hydrocacbon từ đá dầu hoặc cát hắc ín, hay năng lượng mặt
trời hoặc hệ thống năng lượng gió - đòi hỏi những khoản đầu tư và quy mô
khổng lồ. Nhưng cũng trong ngành năng lượng, các đơn vị nhỏ có thể trở
nên nổi bật, điển hình như hệ thống thu năng lượng mặt trời cho các hộ gia
đình.