Trong cuốn sách kinh điển Quản trị trong thời khủng hoảng của Peter
Drucker - người vẫn được coi là cha đẻ của ngành quản trị hiện đại - đã đưa
ra cái nhìn sâu sắc và phân tích cặn kẽ về những vấn đề của các nhà quản lý
trước những biến động của nền kinh tế ở cả trong và ngoài nước. Ông đã
chỉ ra rằng, thời kỳ khủng hoảng đương nhiên đáng lo ngại và nguy hiểm,
nhưng đồng thời cũng là cơ hội tuyệt vời cho những ai hiểu rõ nó, chấp
nhận và khai thác nó. Chúng ta hẳn đều đã bắt gặp quan điểm này trong
những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, đó là câu “cửa miệng” của
những nhà quản lý can đảm, dám đương đầu với thử thách, rằng “trong
nguy có cơ”. Và trên thực tế, điều này đã được minh chứng bằng những
doanh nghiệp vững mạnh hơn sau khủng hoảng, chứ không chỉ là lý thuyết
xa vời.
Bên cạnh đó, Peter Drucker đưa ra rất nhiều khái niệm mới mẻ trong vấn
đề quản lý, như “quản lý theo mục tiêu”, “quản lý cho tương lai”, cũng như
các giải pháp cho vấn đề nhân sự, quản lý hiệu quả nguồn lực trí óc, làm
cho nguồn vốn và nguồn lực thích ứng với lạm phát. Ông còn đưa ra các
giải pháp nhằm loại bỏ những hoạt động, các bộ phận cũng như danh mục
sản phẩm không còn hiệu quả và có nguy cơ ảnh hưởng đến tương lai của
doanh nghiệp.
Người đọc quen thuộc với Peter Drucker hẳn không quên ông luôn là
một nhà chiến lược đại tài. Bất cứ tác phẩm nào của ông cũng không chỉ
dừng lại ở những giải pháp, mà Peter Drucker luôn đem đến cho người đọc
cái nhìn tổng quan, những nguyên nhân sâu xa của tình trạng hiện tại, và từ
đó, các giải pháp không chỉ mang tính thời điểm mà còn mang tính chiến
lược, lâu dài. Trong cuốn sách này, Peter Drucker đã chỉ ra rằng cơ cấu
chính trị, cùng những biến động và cơ cấu dân số đã có tác động như thế
nào đến sự phát triển của các doanh nghiệp. Ông cũng đưa ra những dự
đoán xác đáng về sự phát triển của các khu vực kinh tế thứ ba, về sự cần
thiết của một đồng tiền xuyên quốc gia, về nền kinh tế mậu dịch đa và
xuyên quốc gia, vai trò của những công nhân tri thức và sự hình thành của