Ngày xưa, khi phải xa người thân như cậu Cả, cậu Út, chú Tư, dì Năm,
mạ đều có chúng tôi quẩn quanh bên mình chia sẻ, còn bây giờ, mình mạ
gánh hết niềm thương nỗi nhớ.
Chúng tôi đều còn nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, ba tôi thì lầm lì như một
cái bóng, ăn ăn làm làm đó nhưng có khi mô ông hỏi mạ lấy một câu. Mạ
tôi trơ trọi như cây đa trước bão gió cuộc đời, có lúc bà tưởng như đổ sập,
không trụ đứng được nữa vậy.
Rồi, đến một ngày, mạ con tôi như người không biết bơi rơi xuống dòng
nước chảy. Đó là khi ba tôi đau nặng. Ngày đêm ông vật vã đau đớn,
muỗng cháo vừa nuốt trôi xuống cổ lại nôn thốc nôn tháo. Không biết xoay
xở làm sao, mạ tôi ra xã, nói rằng chồng tôi sắp chết, để người ta cho phép
gọi điện báo cho các anh chị tôi. Mạ gọi điện báo cho từng đứa con, bức
điện nào cũng “khẩn”. Tưởng rằng thế nào cũng có một, hai đứa về, nhưng
chẳng một bức điện nào có hồi âm, nói chi người về.
Thế là một mình mạ bế ba tôi đặt lên chiếc xe ba gác mượn của Hợp Tác
xã lọc cọc kéo lên bệnh viện tỉnh ở đồng Hới. Hơn ba mươi cây số, mạ lầm
lũi đi suốt đêm. Đến nơi, bác sĩ bảo: “Cho ông về, sống được ngày nào thì
sống. Thời chiến, bệnh này không thể chữa được”. “Không thể chữa được,
cho về nhà sống được ngày nào thì sống…”, lời nói của ông bác sĩ tỉnh cứ
vảng vất trong đầu mạ tôi. Ba tôi cố gượng, mấp máy đôi môi khô rát. Mạ
tôi phải cúi sát tai vào miệng ba tôi nghe ông nghẹn ngào: “Mạ thằng Hai,
cho tui về…”