Xin dẫn ra đây mấy đoạn dài những tình cảm sâu lắng rất cảm động mà
không dễ gì ai cũng viết được:
+ Thử hỏi có cuộc chiến tranh nào dằng dặc gặm nhấm mảnh đất quá
chừng bão giông và nhiều tần tảo này. Mảnh đất mỏng manh đầy bóng giặc
như cái bánh đa rắc hạt mè đen dễ gãy dễ bẻ, như dáng hình của mạ ngàn
năm dướn căng thân mình gầy guộc ra đại dương, bền bỉ chở che cho con
cho cháu, cho gia đình được bình an yên ả truyền kiếp như thế này.
Nhưng làm sao mà yên ả được khi hình sông thế núi, con người non
nước này cứ như có một sự lựa chọn vô hình vô ảnh nào đó phải luôn luôn
đứng ở tuyến đầu chống chọi lại cái ác, cái phi nhân từ bốn phương tràn tới.
+ Cây cau nhà tôi năm nào cũng ra buồng, mạ tôi không bán, cứ để dành
cho cậu chạm ngõ. Hết vụ cau này đến vụ cau khác, hết buồng cau này đến
buồng cau khác, những trái cau già rụng xuống gốc đã mọc lên từng đám
cau non mà cậu tôi vẫn chưa về.
Nhiều đêm mạ tôi ra đứng dưới gốc cau, chắp tay vái: “Ba hồn bảy vía
chú Lĩnh ơi, cậu Doản ơi… các em ở đâu về với chị đi”.
+ Lại nói đến những cái bóng liêu xiêu lúp xúp của đám người khai thác
cây rười. Họ đi chân nọ nối chân kia loạng choạng bởi trên vai thì gánh củi
rười đè nặng, dưới chân thì cát trắng lún sâu. Ấy vậy mà đám người vẫn
lầm lũi bước, họ cứ chồm về phía trước như sắp bổ chúi bổ dụi xuống với
cát.
Đất Quảng Bình - người Quảng Bình là thế. Đâu còn là tả, là cảnh, là văn
chương chữ nghĩa nữa? Mà là lòng, là hồn, là chính máu thịt cuộc sống
thiêng liêng đụng chạm đến trái tim người đọc rồi.
Theo lời kể của mạ, những tên người, tên đất dần dần hiện ra qua những
tình tiết, những câu chuyện có thật, được sắp xếp theo trình tự thời gian,
theo sự phát triển của cuộc kháng chiến.
Đó là ông Ké, ông Thuyên, ông Lao, ông đại... theo Việt Minh bị chúng
lùng sục, bắt giết thê thảm.