dàng vượt qua những thử thách trong cuộc sống và biết chắt lọc niêm vui,
hạnh phúc ngay cả trong những ngày gian khổ nhất.
Bố tôi là Nguyễn Đình Kỳ, người Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh;
tham gia cách mạng năm 1946, vào Đảng năm 1948, trải qua nhiều công
tác, đến khi nghỉ hưu là Phó Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba
Đình, trực thuộc UBND TP Hà Nội trước đây và thuộc Ban quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay.
Mẹ tôi là Đỗ Thị Nhu, người làng Mọc, Thượng Đình, Hà Nội. Thuở
nhỏ bà đã học hết Tiểu học thời Tây, có bằng Primaire Certificate nên tiếng
Pháp rất khá. Tôi được thừa hưởng nhiều trí tuệ và lòng đam mê văn học
của bà. Cho đến lúc nghỉ hưu mẹ tôi là Trưởng Phòng Tài vụ Sở Xây dựng
Hà Nội.
Tôi sinh năm 1954. Lính Hà Nội nhập ngũ 27- 04-1972 và vào Nam
chiến đấu ở mặt trận B5, Quảng Trị. Nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung
đoàn 48, Sư đoàn 320B “Tử thủ Cổ thành”. Bị thương nặng, được đưa ra
Bắc điều trị tháng 01-1973, rồi đi học đại học. Hiện nay đang sống và làm
việc ở CHLB Đức.
Tôi không phải nhà văn và viết cuốn sách này không để làm văn.
Nó chỉ là hồi ức của một người lính, kể về một đoạn đời ngắn nhưng
đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời tôi ở Mặt trận Quảng Trị, trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng ác liệt. Ở đó, cái sống và cái chết
tranh chấp nhau từng giây một. Ở đó, trắng đen rõ rệt. Trần trụi sự thật.
Trần trụi bản năng và mọi khía cạnh con người. Tất cả được phơi bày hết,
phơi bày đến tận cùng cái tốt và cái xấu; dũng cảm và hèn nhát; nhân đạo
và nhẫn tâm; cao cả và thấp hèn; có lý và phi lý... Cuốn sách được viết dựa
trên những hồi ức của tôi và các Đồng đội của tôi, đặc biệt là hai cuốn nhật
ký của chính bản thân tôi, ghi lại chân thực nhiều chi tiết.