thanh niên thời ấy, với tâm thế “Chiến đấu là cao quý nhất. Cuộc đời đẹp
nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” (Nhật ký Lê Mã Lương). Chân dung
người chiến sĩ Giải phóng quân hồi ấy được Nguyễn Quang Vinh vẽ ra thật
lãng mạn: “Có đoạn đi bên sườn núi, nhìn ra phía đông xuyên qua tán lá
rừng, có thể nhìn thấy biển xa tít tắp. Rồi những cồn cát trắng nhỏ xíu,
đồng ruộng, làng mạc xanh mờ và một dòng sông bạc đang uốn khúc, y
như trên máy bay nhìn xuống. Tự nhiên lúc đó tôi thấy tự hào vô cùng. Dầu
sao đôi chân của tôi cũng đã in dấu trong rừng Trường Sơn, in dấu lên con
đường lớn của dân tộc, và lòng tôi cứ ngân lên hai câu thơ của Tố Hữu:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai"...
Nhưng rồi thực tế chiến trường đã không chỉ có sự phơi phới. Anh là chiến
sĩ rồi Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 của
Trung đoàn 48, Trung đoàn Thép của Sư đoàn 320B tử thủ ở Thành
cổ Quảng Trị và Mặt trận Cửa Việt. Đường hành quân, chủ yếu đi bộ từ
Bắc vào Nam đã được anh nhớ lại: “Cả lũ đi mò trong đêm. Tôi bị ngã vào
vũng nước, ướt sạch, quai dép bị đứt, đành phải đi đất. Hình như bị lạc rồi,
ánh hỏa châu chập chờn khắp nơi. Đường bờ ruộng trơn như đổ mỡ, tôi
nghiến răng dùng hết sức bấm ngón chân xuống đất mà vẫn ngã. Mỗi bước
đi là một bước ngã. Súng ống đồ đạc quật oành oạch, quần áo bẩn thỉu như
trâu vấy. Nhiều lúc mệt quá, tôi cứ chống hai tay ngồi phệt dưới bùn mà
nuốt nước mắt: cuộc đời chưa bao giờ bị cực khổ như thế này"! Cuộc sống
ở chiến trường có những điều mà bây giờ lớp trẻ không thể hiểu nổi: “Sau
bữa trưa chỉ có cơm với muối chúng tôi rửa bát bằng cách sục ca nhôm vào
cát rồi chùi. Ở đây thì lấy đâu ra nước mà rửa bát. Có nước ở hố bom cách
đó vài chục mét, nhưng ra lấy lại sợ bị pháo kích”...
Quảng Trị năm 1972 là đất của bom pháo và chết chóc. Đụng vào đâu
cũng thấy xác chết, cả ta lẫn địch. Tiểu đoàn 3 của anh đã hai lần bị xóa
sổ trong vòng ba tháng. Chỉ có tinh thần chiến đấu kiên cường của người
chiến sĩ là không chết. Đây là một đoạn viết về những người lính trẻ: “Từ
cửa hãm đối diện, Lâm Thành xả một tràng AK hạ gục tên địch vừa bắn
Chí Thành. Nhưng lúc này bốn bề đều có địch. Hai chiến sĩ trẻ của C11, là