Lâm Thành và Tường “Hải Phòng”, đã dựa lưng vào nhau, chĩa súng AK ra
hai phía bắn như điên. Mặc cho máu đang ròng chảy trên mặt một người và
máu thấm đẫm vạt sườn người kia, hai anh vẫn bắn không ngừng, bắn
mãi... Cách đó khoảng 100m, Tiểu đội trưởng Quế "Khương Trung” mang
khẩu DKZ82 ra định lắp vào giá súng, nhưng không kịp. Thấy xe tăng địch
đang rầm rầm xông đến, Quế hô chiến sĩ Quỳnh “Thái Bình” đem đạn ra
ngay, nạp vào súng. Rồi không cần giá súng, Quế vác nòng khẩu DKZ82
lên vai, nhằm thẳng chiếc M48 đang chạy xế trước mặt bóp cò. Một quầng
lửa da cam cùng tiếng nổ chói óc vang lên, chiếc xe tăng bốc cháy ngùn
ngụt, không một tên địch nào sống sót”...
Mọi sự thật của chiến tranh đều được phơi bày một cách trần trụi. Cả
dũng cảm và hèn nhát. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã thoái lui, không đập
bệnh cũng đảo ngũ. Nhưng trên tất cả là bản anh hùng ca của tuổi trẻ từ bộ
đội chủ lực đến giao liên, du kích. Tác giả, trong hoàn cảnh cụ thể của mình
đã có những trang viết xúc động, rất đáng tự hào về tuổi trẻ Hà Nội trong
những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chính tác giả.
Văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như
nó vốn có. Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu
biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu, và bởi không cần đến hư cấu nên lay
động sâu xa tới người đọc. Cuốn sách này của Nguyễn Quang Vinh không
chỉ có giá trị lịch sử mà còn góp phần khẳng định một khuynh hướng mới
có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay.
Nguyễn Quang Vinh kể lại những ngày tháng của các anh ở Quảng Trị
không để làm văn chương; mà là nén hương lòng tưởng niệm và tri ân
những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc:
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời