ra khét lẹt, tôi xách súng băng về. Đang tháo súng ra lau, chợt giật mình
thấy anh Bính đến. Anh nhìn tôi với cặp mắt dò xét: “Cậu vừa bắn hả?”.
Tôi định chối thì anh đã cầm cái kim hỏa lên ngửi làm tôi cứng họng.
“...Vâng... Em xin lỗi”. Anh nói: “Cậu thử nghĩ xem, tôi tin tưởng cậu là A
trưởng... Thế mà cậu lại làm như vậy...”. Tôi bối rối vô cùng. Vốn không ưa
anh Bính, nhưng lần này mình trái lè lè, đành phải xin lỗi anh mãi. Một lúc
sau anh bỏ đi.
Hầu như suốt ngày tôi và Duy Minh nằm trên võng trong lãnh thổ
riêng của hai thằng. Cả hai đứa đều là học sinh nên rất thông cảm và tâm
đầu ý hợp. Trong những ngày lê thê đó, tôi và Duy Minh đã tâm sự cho
nhau nghe tất cả những nỗi niềm riêng tư thầm kín, những suy nghĩ ước
mơ. Khó mà quên được cảnh hai thằng trên hai cánh võng trong rừng già,
bên những bụi lá nón xào xạc, thì thầm kể lại cho nhau nghe về quãng đời
học sinh của mình và những ngày nghỉ phép vừa qua.
Hai nhân vật nữ mà Duy Minh nhắc tới nhiều nhất là Hòa và Dư Loan.
Hòa đẹp, thông minh, học cùng lớp. Dư Loan là bạn cũ, không đẹp lắm
nhưng ngoan, có bố là Đại tá xe tăng. Qua câu chuyện, tôi thấy Duy Minh
yêu Hòa hơn, và vẫn còn cay đắng về mấy ngày phép vừa rồi. Khi biết
Minh là lính bộ binh, Hòa nói: “Tôi tưởng bạn đi xe tăng, tên lửa, chứ ai
ngờ bạn trở thành một anh lính “bò binh ”. Tuy không nói ra, nhưng tôi
không tán thành Hòa lắm. Minh còn say sưa kể cho tôi nghe những chuyện
trong trường lớp, những tối tập văn nghệ ở ngã năm Trần Hưng Đạo-Lê
Thánh Tông, những ngày đi học múa...
Tôi cũng kể hết cho Minh nghe những kỷ niệm trong đời học sinh của
mình, nhất là về mối tình thầm lặng với T.H. Hai đứa cùng mơ ước sắp tới
vào đánh một vài trận rồi được quay ra đi học lại, biết đâu Tết này còn
được ăn Tết ở nhà cũng nên, vì năm 1972 là năm bản lề mà. Gia đình mà
thấy con về chắc sẽ mừng lắm. Có lần tôi nói đùa với Minh: “Làm trai thời