Long. Tư lệnh chiến dịch Quảng Trị năm 1972 là Thiếu tướng Lê Trọng
Tấn (đến 6-72), sau là Thiếu tướng Trần Quý Hai (BT).
4 giờ chiều, chúng tôi rời cánh rừng thưa, đi xuống một trảng cỏ tranh
rộng bát ngát. Mỗi người phải chặt một cành lá che trên đầu để ngụy trang,
tránh cặp mắt cú vọ của chiếc máy bay trinh sát OV-10 đang ò ò ở phía xa.
Có thể nói suốt thời gian ở chiến trường, tôi đã quen với hình dáng như
chiếc bừa và tiếng ò ò lúc xa lúc gần của nó, đến nỗi những hôm thời tiết
xấu, OV-10 không bay, cảm thấy như thiếu một cái gì. Có lúc nó rống lên,
bổ nhào bắn một trái đạn khói vào đâu đó, chỉ điểm cho máy bay đến ném
bom. Trong không gian nghe như có tiếng vọng ì ầm của chiến trường. Trời
bắt đầu sẩm tối. Chợt ở phía xa lóe lên ánh chớp, rồi một quả cầu mầu xanh
lá cây bùng lên, bắn ra hàng vạn tia sáng mầu lá mạ. “Bom lân tinh đấy”,
anh Bính nói. Lại một quả bom lân tinh nữa nổ, sáng rực cả góc trời. Tối
mịt thì chúng tôi tới bãi khách, nằm trong một khe cạn, cây cối mọc um
tùm. Chúng tôi sẽ đóng quân ở đây, chờ đơn vị mới tới tiếp nhận.
Hôm sau tôi đi vòng quanh bãi khách xem xét địa thế. Thấy nhiều hầm
chữ A bỏ không, trong vài hầm có một số vật dụng bỏ lại, đặc biệt cả một
hòm lựu đạn. Tôi bèn lấy 2 quả đem về chờ có dịp sẽ dùng.
Tối tối lại diễn ra cảnh tiêu khiển kỳ quái như ở Bãi Hà, đó là lính ta
nằm trên võng chửi nhau cho đỡ buồn. Lính B1 đồng thanh réo tên B
trưởng B2 ra chửi, lính B2 cũng đồng thanh chửi lại B trưởng B1. Long
“cồ” to mồm nhất, tự xưng là “Đài phát thanh A6”, giọng sang sảng liến
thoắng bịa đủ thứ chuyện chửi bới lung tung. Một số cậu bị chạm nọc chửi
lại, làm Long “cồ” nóng tiết thét lên: “Đ.mẹ thằng nào chửi Đài!”.
Vài cậu khác thì hát nhạc vàng ông ổng suốt ngày. Cậu Phát A5 nằm
gần tôi chuyên môn hát bài: “Tôi với nàng, hai đứa nguyện yêu nhau/ Tha
thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu...” và bài: “Hôm nay tôi trở về thăm
trường cũ. Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ...Thầy đó trường đây bạn
hữu đâu rồi?”. Nghe riết rồi tôi cũng đâm thuộc.