Quốc gia khởi nghiệp Ebook.vn
Chương 2: Doanh nhân trên chiến trường
Vị chỉ huy tăng thiết giáp Israel từng tham gia cuộc chiến với Syria cũng là giám đốc kỹ thuật
giỏi nht thế giới. Giới chỉ huy tăng thiết giáp là bậc thầy triển khai và chỉ đạo chi tiết cao độ.
Nhận xét này dựa trên hai mươi năm kinh nghiệm làm việc chung và quan sát họ.
- ERIC SCHMIDT -
Ngày 6 tháng 10 năm 1973, tại thời điểm toàn bộ đất nước Israel đang ngừng mọi hoạt
động để ăn mừng ngày lễ linh thiêng nhất theo lịch Do Thái, liên quân Ai Cập và Syria phát
động cuộc chiến Yom Kippur tấn công chớp nhoáng vào nhà nước Do Thái. Chỉ trong vài
tiếng đồng hồ, quân đội Ai Cập đã xuyên thủng tuyến phòng thủ của Israel dọc kênh đào
Suez. Bộ binh Ai Cập cũng tràn vào các ụ xe tăng được Israel chuẩn bị từ trước trong trường
hợp bị tấn công, với hàng trăm xe tăng Ai Cập và Syria nhanh chóng tiến sát ngay sau đó.
Đã sáu năm sau chiến thắng vang dội của Israel trong Cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967,
chiến dịch quân sự chưa từng có tiền lệ trên thế giới khi đó. Trước cuộc chiến, dường như
mọi yếu tố đều chống lại nhà nước Do Thái mới ra đời vỏn vẹn 19 năm; họ đứng trước nguy
cơ bị liên quân Ả-rập nghiền nát. Nhưng sau sáu ngày giao chiến, Israel đã đánh bại cùng lúc
quân đội Ai Cập, Jordan và Syria và mở rộng biên giới khi giành được cao nguyên Golan, dải
Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Chiến thắng này đã mang đến cho người Israel cảm giác bất khả chiến bại, không một ai
nghĩ người Ả-rập dám mạo hiểm khai chiến nữa. Thậm chí, giới quân đội Israel cũng tin
rằng nếu người Ả-Rập tấn công lần nữa, họ sẽ vẫn chiến thắng như năm 1967.
Vì vậy vào ngày 6 tháng 10 năm 1973, Israel chưa sẵn sàng cho cuộc chiến này. Tuyến
phòng ngự mỏng manh của Israel dọc kênh đào Suez không phải đối thủ của quân Ai Cập áp
đảo. Đằng sau tiền tuyến bị phá hủy, Israel chỉ còn đúng ba lữ đoàn xe tăng đứng giữa quân
Ai Cập và thủ đô Tel Aviv, trong đó chỉ một lữ đoàn gần tiền tuyến nhất.
Dưới sự chỉ huy của thượng tá Amnon Reshef, lữ đoàn này có nhiệm vụ bảo vệ một khu vực
rộng 120 dặm chỉ với 56 chiếc xe tăng. Trong khi căng thẳng chờ đợi cuộc chạm trán với
quân Ai Cập, Reshef bỗng thấy từng chiếc tăng bị trúng đạn. Nhưng lúc đó không hề có bóng
dáng xe tăng hoặc vũ khí chống tăng của kẻ thù. Vậy thứ gì đang tiêu diệt lữ đoàn tăng của
Amnon Reshef?
Đầu tiên, ông tưởng xe tăng của mình bị dính hỏa lực từ súng phóng lựu, hay còn gọi là
súng chống tăng vác vai. Reshef liền ra lệnh cho quân lùi lại một chút để thoát khỏi tầm bắn
của súng phóng lựu. Thế nhưng các xe tăng vẫn tiếp tục nổ tung. Lúc này vị thượng tá mới
hiểu rằng đơn vị mình đang là mục tiêu của một loại vũ khí vô hình hoàn toàn mới.