Quốc gia khởi nghiệp Ebook.vn
Việc chuyển đổi từ phát triển tập trung sang nền kinh tế tư nhân lẽ ra đã phải xuất hiện
vào giữa những năm 1960. Trong khoảng thời gian 20 năm từ 1946 đến 1966, nhiều khoản
đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng đã được thực hiện. Năm 1966, khi không còn mục tiêu
đáng kể để đầu tư, Israel lần đầu tiên nếm trải mức tăng trưởng kinh tế gần như bằng
không. Điều này lẽ ra đã đủ để thuyết phục chính phủ Israel mở cửa nền kinh tế cho các
doanh nghiệp tư nhân. Nhưng thay vào đó, những sự cải cách cấp bách lại bị trì hoãn vì
Cuộc chiến Sáu ngày. Chỉ trong một tuần kể từ ngày 6 tháng 6 năm 1967, Israel đã chiếm Bờ
Tây, Dải Gaza, bán đảo Sinai và cao nguyên Golan. Tổng diện tích của các vùng lãnh thổ này
gấp ba lần đất nước Israel.
Bỗng nhiên, một lần nữa, chính phủ Israel lại bận rộn với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô
lớn. Và bởi vì quân đội Israel cần thiết lập vị trí tại những vùng lãnh thổ mới, các khoản
ngân sách khổng lồ được dành cho các công trình quốc phòng, an ninh biên giới và những
cơ sở hạ tầng tốn kém khác. Đây là một chương trình “kích thích” kinh tế khổng lồ.
Kết quả là từ năm 1967 đến 1968, đầu tư cho thiết bị xây dựng đã tăng 725%. Thời điểm
xảy ra cuộc chiến đã giúp củng cố bản năng sống còn của những chuyên gia hoạch định kế
hoạch trung ương của Israel.
“THẬP KỶ MẤT MÁT” CỦA ISRAEL
Dẫu vậy, nền kinh tế của Israel lúc đó vẫn đang sống trong một thời kỳ vay mượn. Một cuộc
chiến khác diễn ra sáu năm sau đó, cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, đã không không
mang lại sự thúc đẩy kinh tế tương tự. Israel đã hứng chịu con số thương vong nặng nề (ba
ngàn người chết và hàng ngàn người khác bị thương) và thiệt hại to lớn về cơ sở hạ tầng.
Trong tình cảnh buộc phải huy động số lượng lớn quân dự bị, quân đội Israel đã kéo hầu hết
lực lượng lao động khỏi nền kinh tế trong sáu tháng. Ảnh hưởng của một đợt tổng động
viên dai dẳng như vậy đã làm tê liệt các công ty và thậm chí toàn bộ các ngành công nghiệp.
Hoạt động kinh doanh cũng bị ngưng trệ.
Trong bất kỳ môi trường kinh tế bình thường nào, thu nhập cá nhân của giới lao động
trong nước cũng sẽ bị giảm theo. Nhưng ở Israel lại không thế. Thay vì để cho tiền lương rơi
tự do, chính phủ đã chống đỡ bằng một phương tiện mà kết quả là dẫn đến mức nợ công rất
cao.
Để cố gắng bù đắp cho khoản nợ mỗi ngày một phình to, mọi mức thuế - bao gồm cả thuế
đánh vào vốn đầu tư - đều tăng. Các khoản nợ ngắn hạn có lãi suất cao được sử dụng để tài
trợ cho các khoản thâm hụt tài chính, về sau đã làm tăng khoản trả lãi.
Tất cả những điều này trùng hợp với sự suy giảm số dân nhập cư thuần. Người nhập cư
mới luôn là nguồn sinh lực chủ yếu cho nền kinh tế của Israel. Đã từng có tăng trưởng ròng
số lượng nhập cư khi số người nhập cư tăng gần 100 nghìn người vào giữa năm 1972 và
1973. Nhưng con số này giảm xuống còn 14 nghìn người vào năm 1974 và gần như bằng
không vào năm 1975.