Niềm tin cho rằng sự bất bình đẳng sẽ mất dần theo thời gian là một giả
định đã được viện dẫn từ những năm 1950, khi nhà kinh tế Simon Kuznets
chỉ ra rằng các nước có xu hướng phát triển không đồng đều trong các giai
đoạn đầu phát triển, do một số nông dân nghèo tìm được việc có lương cao
hơn trong các nhà máy ở thành thị, và trở nên ít bất bình đẳng hơn trong các
giai đoạn sau, khi tầng lớp trung lưu thành thị phát triển. Tuy nhiên, ngày
nay sự bất bình đẳng dường như xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển: ở
các nước nghèo, trung bình và giàu. Một lý do sự bất bình đẳng gây ra mối
đe dọa ngày càng lớn là giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ trước 2008 có xu
hướng làm hạ mức lương công nhân. Người ta có thể chuyển dịch công việc
công xưởng sang các nước có mức lương thấp dễ dàng hơn rất nhiều, trong
khi tiến bộ không ngừng trong công nghệ và tự động hóa đã thay thế những
việc làm trước đó giúp nâng nhiều người lên tầng lớp trung lưu. Khi sự bất
bình đẳng lan ra các nước, ở mọi giai đoạn phát triển, điều ngày càng quan
trọng là cần theo dõi khoảng cách giàu nghèo ở tất cả các nước, vào mọi lúc.
Các cuộc xung đột về bất bình đẳng đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ,
nhưng gần đây di căn thành một cuộc đối đầu toàn cầu, ảnh hưởng đến
những mảng lớn của thế giới phát triển và đang phát triển. Trên toàn thế
giới, các nhà lãnh đạo chính trị đã phải lâm chiến chống lại nạn bất bình
đẳng và bắt đầu thúc đẩy quyết liệt tái phân phối, từ Hàn Quốc và Thụy
Điển đến Chile và Mỹ. Ở Washington, Đảng Dân chủ đã đi tuần hành chống
bất bình đẳng, và ngay cả người đứng đầu thường điềm đạm của Cục Dự trữ
Liên bang (Fed), Janet Yellen, cũng đã hứa hồi năm 2014 sẽ điều hành ngân
hàng trung ương để phụng sự “Phố Chính chứ không phải Phố Wall”.
Người ta ít khi thấy các nhân vật của ngân hàng trung ương lên tiếng
biện minh, nhưng lời hứa của Yellen đã lờ đi vai trò của Fed trong việc thúc
đẩy mạnh mẽ sự trỗi dậy của các tỷ phú trên toàn thế giới. Sự gia tăng của
nạn bất bình đẳng trở nên đặc biệt hệ trọng ở biện pháp làm giàu chứ không
phải ở mức thu nhập, và Fed đã là công cụ thúc đẩy sự giàu có ở Phố Wall
chứ không phải Phố Chính. Để thúc đẩy tăng trưởng sau khủng hoảng tài
chính toàn cầu năm 2008, Fed bơm những khoản tiền kỷ lục vào nền kinh tế
Mỹ thông qua nhiều đợt “nới lỏng định lượng”, bao gồm mua trái phiếu trên