họ được chú ý bởi những người ngưỡng mộ giai tầng thượng đỉnh lẫn giới
phê bình nạn bất bình đẳng của cải.
Các thông tin này phục vụ cho giới tiếp thị hàng xa xỉ hoặc cho chính
giới tỷ phú: Đại học Pennsylvania hóa ra tạo ra nhiều tỷ phú hơn Yale,
Harvard, Princeton, hoặc bất cứ trường nào khác, và thông tin đại loại như
thế. Tất cả các danh sách này giới hạn ở chỗ các tính toán phần lớn dựa vào
thông tin công khai, đặc biệt là trị giá sở hữu chứng khoán và bất động sản,
vì vậy các chỉ số thời gian thực về tài sản của tỷ phú chủ yếu phản ánh tình
hình thị trường vào thời điểm đó. Thật ấn tượng khi tỷ phú Bill Gates và
Carlos Slim thường xuyên thấy gia tài của họ dao động đến hàng trăm triệu
đô-la vào một ngày bình thường, nhưng điều đó chẳng thể hiện điều gì cụ
thể. Chỉ khi thay đổi ở diện rộng hơn, từ năm này sang năm khác, thì thông
tin ấy mới trở nên thú vị.
Gần đây một số dữ liệu tỷ phú dạng này đã được nêu ra trong các cuộc
thảo luận kinh tế nghiêm túc. Trong bài đánh giá nói chung là khen ngợi về
cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới năm 2013 của Thomas Piketty về nạn
bất bình đẳng, Tư bản trong Thế kỷ 21, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Lawrence Summers đã chất vấn luận điểm của tác giả Pháp về độ bền của tài
sản được thừa kế tại Mỹ bằng cách chỉ ra mức xáo trộn cao độ trong giới tỷ
phú Mỹ. Summers nêu rõ thực tế rằng chỉ một phần mười những cái tên
trong danh sách ngày đầu của Forbes vào 1982 vẫn còn trụ lại trong danh
sách vào 2012. Tác giả kiêm nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel cũng đề cập
đến danh sách tỷ phú trong lời than phiền hài hước về tình trạng trì trệ của
tiến bộ công nghệ. Dò danh sách toàn cầu của Forbes với 92 người có tài
sản hơn 10 tỷ đô-la vào 2012, Thiel tìm thấy chỉ 11 nhân vật thuộc các
ngành công nghệ cao, mà tất cả những cái tên đều hết sức quen thuộc, như
Gates, Ellison và Zuckerberg. So ra, ông tìm được nhiều gấp đôi với những
cái tên đã làm giàu chủ yếu bằng cách “khai thác tài nguyên thiên nhiên”,
một nhóm mà Thiel chế nhạo là “cơ bản mà nói, những trường hợp thất bại
về công nghệ, vì hàng nguyên liệu là sản phẩm khó thích nghi, và nhà nông
chỉ phất lên khi xảy ra nạn đói”.