“Sự trỗi dậy” của các nền kinh tế này sẽ kết thúc khi giá hàng nguyên
liệu quay đầu, và điều đó bắt đầu xảy ra vào 2011. Khi giá vàng, quặng sắt
và nhiều mặt hàng nguyên liệu khác giảm, nhiều quốc gia châu Phi thấy
ngày càng khó cân bằng ngân sách chính phủ và tài khoản vãng lai. Như ta
đã thấy, sự thâm hụt tài khoản vãng lai báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng
tiền tệ tiềm tàng khi nó diễn ra ở mức 5% GDP trong năm năm liên tiếp.
Ngày càng nhiều nước châu Phi rơi vào vùng nguy hiểm này và bắt đầu gặp
khó khăn trong việc chi trả nợ nước ngoài. Nhiều nước châu Phi như
Mozambique, Zambia và Ghana đã phải tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào
2014 để có các khoản vay mới hoặc gia hạn nợ nhằm giúp cân bằng sổ sách.
Rắc rối của Ghana quả là đáng thất vọng vì nước này từng được xem là
một trong những ngôi sao sáng nhất của châu Phi, nhưng giờ đây với lạm
phát gia tăng và nợ nước ngoài chồng chất, số liệu của nước này còn tệ hơn
một nước xoàng như Zambia. Trong một chuyến thăm vào 2012, Tổng thống
Mỹ Barack Obama đã ca ngợi câu chuyện thành công kinh tế “tuyệt vời” của
Ghana, với sự dẫn dắt của một chính phủ tinh tường, nhưng như cây viết
Adam Minter đã chỉ ra trong một chuyên mục trên Bloomberg View, tình
trạng mất điện thường xuyên đã bắt đầu tàn phá nền kinh tế trong năm đó,
làm các hộ dân và doanh nghiệp tê liệt đến tám giờ một ngày, các cửa hàng
phải đóng cửa và giới doanh nhân phải tìm đến các sảnh khách sạn có máy
phát điện dự phòng. Sự trỗi dậy của Ghana mong manh hơn những gì người
ngoài nhận thấy, bởi vì nó được tạo ra bởi sự gia tăng giá dầu, vàng và ca
cao. Khi các mức giá này lao dốc vào 2014, sự tăng trưởng kinh tế giảm tốc
về mức thấp nhất trong hai thập kỷ, buộc Ghana phải cầu viện đến IMF để
vay khẩn cấp 900 triệu đô-la.
Nhưng vẫn có điểm sáng ở châu Phi. Không khu vực nào lớn đến thế
mà hoàn toàn “vô vọng”. Một nhóm các nền kinh tế đang đi lên dọc theo Ấn
Độ Dương, với các nước như Uganda và Kenya bắt đầu thúc đẩy thương
mại nội địa thông qua Cộng đồng Đông Phi, thị trường chung mới của khu
vực. Khác với nhiều nước đồng đẳng châu Phi, Kenya và Uganda là các
nước nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu và rốt cục có lợi từ sự sụt giảm
giá dầu và các nguyên liệu khác. Tài khoản vãng lai của họ thâm hụt, nhưng