của châu Phi. Sau khi châu Phi trải qua thập kỷ thứ hai liên tiếp tăng trưởng
đáng thất vọng vào những năm 1990, The Economist gọi nơi này là “Lục địa
vô vọng” trong chuyên đề trang bìa tháng 5-2000. Nhưng năm đó lại đánh
dấu sự khởi đầu của một thập kỷ mà số lượng các nền kinh tế châu Phi có tỷ
lệ tăng trưởng trung bình hằng năm hơn 5% nhảy vọt từ 14 lên 28. Ngoại
suy từ đà tăng mạnh mẽ suốt từ 2000 đến 2010 ấy, tờ tạp chí đã đưa lục địa
này lên bìa vào tháng 12-2011, lần này với tựa “Châu Phi trỗi dậy”. Chẳng
khía cạnh nào có lý cho lắm, vì châu Phi không phải là một nền kinh tế đơn
nhất mà là một quần thể 53 quốc gia, và nhiều nước có rất ít điểm chung.
Chính sai lầm tương tự trong việc gom chung các nền kinh tế cực kỳ khác
biệt thành một cụm, từng dẫn đến ý tưởng “hội tụ tập thể”, tạo cơ sở để
người ta thổi phồng luận điểm “Châu Phi trỗi dậy”.
Hồi chuông báo tử cho câu chuyện này đã vang lên khi Time đăng bìa
với cùng tiêu đề “Châu Phi trỗi dậy” 12 tháng sau The Economist. Vào thời
điểm đó, châu Phi chắc chắn đã không còn trỗi dậy nữa. Đến 2013, số lượng
các nền kinh tế châu Phi tăng trưởng cao hơn 5% đã tụt từ 28 vào 2010
xuống còn 21, và số đang bị lạm phát cao thì gia tăng. Câu chuyện châu Phi
tách ra thành một cốt truyện thực tế hơn, mà ở đó các nền kinh tế đa dạng
cho thấy đủ mọi triển vọng tăng trưởng, từ tốt, trung bình cho đến yếu kém.
Một nguyên nhân của sự lạc quan về châu Phi sau 2000 là tình hình
lãnh đạo được cải thiện rõ rệt. Ngày càng nhiều nước lật đổ chế độ độc tài và
tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Nhưng ở thời điểm bước sang thập kỷ mới,
rõ ràng các cuộc bầu cử này mang lại ít ỏi, nếu có, các nhà cải cách kinh tế
đích thực. Chính quyền của Đại hội Dân tộc Phi tại Nam Phi đang trở nên cố
vị, lãnh đạo hơn 20 năm mà không hạ thấp được tỷ lệ thất nghiệp kẹt ở mức
25%. Lãnh đạo của chính quyền này, Jacob Zuma, đã bị chỉ trích vì chi tiêu
23 triệu đô-la công quỹ để trùng tu ngôi nhà của mình. Tại Nigeria, người
từng được xem là Tổng thống trong sạch đầu tiên của đất nước, Goodluck
Jonathan, phải đối mặt với những câu hỏi về việc xử lý các khoản doanh thu
dầu mỏ thất thoát và về quan hệ với các bang loạn lạc miền Bắc, nơi phiến
quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram đang hoành hành. Trong khi Nam Phi
và Nigeria là những ngôi sao kinh tế của châu Phi, tình trạng hụt hẫng về