lãnh đạo trải khắp châu lục. Suốt bốn trong năm năm của giai đoạn 2009 –
2013, một tổ chức NGO có trụ sở tại London, Quỹ Mo Ibrahim, đã không
tìm được một ứng viên nào xứng đáng nhận Giải Lãnh đạo Châu Phi, và chỉ
mỗi Tổng thống sắp mãn nhiệm Pedro Pires của quốc đảo nhỏ bé Cape
Verde giành được danh hiệu này vào 2011.
Do thiếu lãnh đạo giỏi, nhiều quốc gia châu Phi cũng cho thấy kết quả
yếu kém khi đối chiếu theo các quy luật khác. Một yếu tố cơ bản khác của
luận điểm “Châu Phi trỗi dậy” là nhiều nhà lãnh đạo mới được bầu sẽ kiểm
soát được các chính phủ lãng phí, nhưng điều đó đã tỏ ra hão huyền khi cuộc
khủng hoảng 2008 xảy đến. Chẳng mấy chốc, nhiều chính phủ châu Phi bắt
đầu chi mạnh tay để làm giảm hậu quả của sự trì trệ, thông qua tăng lương
công chức và các hình thức ban phát của công khác. Số lượng chính phủ
châu Phi bị thâm hụt hơn 3% GDP – ngưỡng mà nhiều chuyên gia xem là
đầy nguy hiểm – đã tăng từ mức thấp với 11 nước vào 2008 lên 20 nước vào
2013.
Đồng thời, rất ít nhà lãnh đạo châu Phi đầu tư để chuyển hướng nền
kinh tế của họ thoát ra khỏi nguồn lợi trời cho từ dầu và các mặt hàng
nguyên liệu khác. Từ 2000 đến 2010, kim ngạch xuất khẩu từ các quốc gia
mới nổi của cả châu Phi và châu Á đều tăng 500%, nhưng đối với châu Á,
400% trong mức gia tăng đó là do gia tăng xuất khẩu, nói cách khác bằng
cách bán nhiều hơn xe ô-tô, thiết bị và hàng hóa sản xuất khác. Châu Phi,
ngược lại, trở nên thịnh vượng bằng cách lướt sóng giá hàng nguyên liệu
toàn cầu: khoảng 400% trong mức gia tăng doanh thu xuất khẩu của họ chủ
yếu bắt nguồn từ sự tăng giá toàn cầu đối với hàng nguyên liệu như ca cao,
cà phê và dầu. Khu vực này ít đầu tư mới các nhà máy sản xuất. Ở châu Phi
cận Sahara, hàng nguyên liệu chiếm một nửa GDP, trong khi sản xuất vẫn
giảm và chỉ ở mức 11% của GDP vào 2014, giảm từ 16% vào 1990. Quá
trình phi công nghiệp hóa này trái ngược với những gì mà bất kỳ thị trường
mới nổi nào cũng cần để tăng trưởng ổn định và tạo dựng một tầng lớp trung
lưu thịnh vượng.