một chuyển biến bình thường trong chu trình của đời sống chính trị. Tám
trong số 30 nền dân chủ đông dân nhất đã tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia
vào 2015; đảng cầm quyền thất cử ở năm nước – Nigeria, Argentina, Ba
Lan, Canada và Sri Lanka – và ở các nước khác, gồm Tây Ban Nha, bị đẩy
lùi nghiêm trọng. Điều này trái ngược với những năm bùng nổ tăng trưởng
từ 2003 đến 2007, khi hai phần ba lãnh đạo đương nhiệm đã tái đắc cử.
Các chuyển biến chính trị lớn nhất đang diễn ra ở những nơi ít ngờ
nhất. Ở Mỹ Latin, giai đoạn tồi tệ đang đẩy các nước sang hữu khuynh. Giá
thực phẩm thiết yếu leo thang và sự tăng trưởng sa sút đã hợp sức lật đổ
chính phủ cánh tả ở Argentina và cơ quan lập pháp cánh tả tại Venezuela.
Như quy luật giá củ hành đã cảnh báo, giá cả tăng nhanh với các mặt hàng
thiết yếu như củ hành báo hiệu sự suy tàn của triển vọng kinh tế và thường
làm mất ghế của các nhà lãnh đạo, nhất là khi lạm phát cao đi
kèm với tăng trưởng suy giảm và chất lượng cuộc sống sa sút. Một
nguyên tắc chung đơn giản là hãy để mắt đến các nước mà lạm phát vượt
hẳn so với ngưỡng trung bình của các nước mới nổi, mà gần đây đã giảm
xuống còn khoảng 4%. Ở Argentina sự kết hợp của lạm phát 25% và tỷ lệ
tăng trưởng bằng không đã lật đổ Tổng thống Cristina Fernández de
Kirchner và đảng dân túy của bà, vốn đã nắm quyền 12 năm. Trong khi đó,
về phía Bắc ở Venezuela, hậu quả của lạm phát 100% và tăng trưởng GDP
âm 10% đã kết thúc vai trò của đảng xã hội chủ nghĩa trong quốc hội sau 17
năm.
Trong những trường hợp này, sự nổi lên của các nhà lãnh đạo mới có
thể làm tăng cơ may tiến bộ, theo quy luật về hiểm họa từ nhà nước. Triển
vọng tăng trưởng cải thiện khi nhà nước thôi can thiệp vào khu vực tư nhân
và tập trung nỗ lực đầu tư vào đường sá, an ninh và tạo điều kiện khuyến
khích doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh đầu tư vào các ngành sản xuất. Sự
đầu tư mạnh vào mạng lưới cung ứng – cảng, hệ thống điện thoại, nhà máy –
cho phép nền kinh tế phát triển nhanh chóng mà không bị lạm phát cao, một
sự song hành lý tưởng.