la suy yếu và thâm hụt tài khoản vãng lai tụt xuống dưới mức 3% GDP và ra
khỏi vùng nguy hiểm vào 2014.
Sự chuyển biến theo chiều hướng xấu xảy đến vào 2015 khi đồng đô-la
tăng vọt hơn 20% so với rổ tiền tệ chính. Lúc bấy giờ nó cho cảm giác đắt so
với đồng yen, đồng rúp, đồng real của Brazil và đồng rand của Nam Phi,
trong số rất nhiều đồng tiền của các nước mới nổi khác. Đồng đô-la tăng giá
bắt đầu làm hại xuất khẩu và sản xuất tại Mỹ, và đe dọa đẩy mức thâm hụt
tài khoản vãng lai trở lại vào vùng cảnh báo.
Trong khi đó, tổng dự nợ của Mỹ – cả công và tư – vẫn giữ nguyên ở
mức khoảng 250% GDP trong năm năm qua. Xu hướng này là một lợi thế
theo quy luật nụ hôn của nợ nần, vốn báo hiệu rắc rối khi nợ tăng trưởng
nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế; tuy nhiên, sự ổn định tổng thể cũng che
giấu đi những mảng thái quá. Ở mặt tích cực, cũng như ngân hàng và các
công ty khác trong lĩnh vực tài chính, các hộ gia đình Mỹ đã cắt giảm gánh
nặng nợ của họ. Nhưng chính phủ vẫn đang gia tăng nợ, cũng như một số
công ty tư nhân khác, nhất là những công ty trong ngành năng lượng đá
phiến. Bên ngoài khối các công ty tài chính, nợ doanh nghiệp của Mỹ đã
tăng lên về tỷ trọng so với GDP trong năm năm qua. Mặc dù bản thân tốc độ
tăng trưởng này không quá đáng báo động, một phần đáng ngại của các
khoản vay ấy đã rót vào các kế hoạch thủ thuật tài chính như mua lại cổ
phiếu để đẩy giá cổ phiếu, chứ không phải đầu tư sinh lợi. Sự suy hoại chất
lượng của các khoản vay này là một dấu hiệu cảnh báo nữa theo quy luật nợ.
Một trong những yếu tố lớn khó lường đối với Mỹ là sự trỗi dậy của
chủ nghĩa dân túy đầy phẫn nộ, một dấu hiệu xấu theo quy luật chu trình
sinh tồn. Triển vọng cải cách lớn xuất hiện khi các nhà lãnh đạo mới lên
nắm quyền, nhất là sau một cuộc khủng hoảng kinh tế và khi họ có sứ mệnh
phục hồi tăng trưởng. Nhưng mọi chuyện không phải luôn luôn như vậy.
Trong các môi trường Hậu khủng hoảng khác, cử tri có thể đòi hỏi một sự
trừng phạt nào đó, chứ không phải cải cách, nếu họ tức giận về nạn bất bình
đẳng gia tăng hay sợ hãi các mối đe dọa từ nước ngoài. Đó là tâm trạng ở
nhiều quốc gia hiện nay, kể cả Mỹ. Với một mức độ chưa từng thấy trong