Người ta bảo rằng cứ mỗi đêm, với sự giúp đỡ của các học giả uyên
thâm, nhà thơ Kamban đã nghiên cứu bản gốc bằng tiếng Sanakrit của
Valmiki phân tích kỹ càng, và mỗi ngày viết mấy nghìn câu thơ của ông.
Về công việc tìm hiểu, thâm nhập bản gốc của Valmiki và chuyển thành thơ
tiếng Tamin, Kamban có nói: “Tôi cũng giống như con mèo ngồi trên bờ
một cái biển sữa, và hy vọng liếm cho hết”.
Tác phẩm của Kamban, ghi lại trên lá cọ, có mười nghìn năm trăm khổ
thơ, có lẽ thành một chồng cao đồ sộ, vì bản in ngày nay tôi có trong tay
gồm sáu phần, mỗi phần một nghìn trang (với phần bình luận và chú thích).
Tôi đã dùng rất nhiều phần kế cận nhau trong tác phẩm của Kamban
vào trong chuyện kể của tôi. Bản của tôi không phải là một bản dịch, cũng
không phải một công trình nghiên cứu uyên bác, mà có thể coi như một tác
phẩm văn học do ấn tượng sâu sắc mà Kamban đã để lại trong đầu óc tôi,
một nhà văn, mà có. Là một nhà văn viễn tưởng, tôi rất hứng thú khi đọc
Kamban, lại được thơ ông khích lệ, sung sướng thưởng thức ngôn ngữ của
ông, và trên hết là lòng yêu quý và kính trọng mà ông đã đem lại cho người
đọc đối với nhân vật chính, Rama, - được giới thiệu với chúng ta như là
một chàng thanh niên, một đồ đệ, một người anh, một người yêu, một nhà
khổ hạnh và một chiến binh; chúng ta kính trọng và kinh ngạc theo dõi
chàng trong từng vai trò. Trong những sau đây, tôi cố gắng chuyển lại
những hứng thú mà tôi đã tìm thấy trong tác phẩm của Kamban.
R.K. NARAYAN (Mysore – 1971)