một bậc. Judit tiến xa nhất, leo lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng thế giới
của cả nam lẫn nữ vào năm 2004.
Thí nghiệm của Laszlo đã thành công. Nó thành công đến nỗi vào đầu
những năm 1990, ông đề xuất rằng nếu phương pháp giáo dục chuyên môn
ngay từ nhỏ của ông có thể áp dụng cho hàng ngàn trẻ em, nhân loại có thể
giải quyểt các vấn đề nan giải như bệnh ung thư và AIDS. Suy cho cùng, cờ
vua chỉ được chọn làm một phương tiện bất kỳ để chứng minh cho quan
điểm toàn diện của ông. Giống như câu chuyện của Tiger Woods, câu
chuyện của nhà Polgar đã đi vào hàng loạt sản phẩm văn hóa như báo chí,
sách vở, chương trình tivi và các buổi diễn thuyết như một ví dụ về việc
con người có thể khai phá tiềm năng vô hạn nếu được bồi dưỡng từ sớm.
Một khóa đào tạo trực tuyến có tên “Chắp cánh thiên tài” đã quảng cáo các
bài học theo phương pháp của Polgar để “xây dựng kế hoạch trở thành
thiên tài cho chính bạn”. Tấm gương chị em nhà Polgar và Tiger Woods
trong quyển sách bán chạy Tài năng được đánh giá quá cao (Talent Is
Overrated) minh chứng cho việc bắt đầu tập luyện có chủ đích từ khi còn
nhỏ là chìa khóa thành công trong “bất kỳ hoạt động quan trọng nào đối với
bạn”.
Người ta rút ra một bài học hữu ích là: bất cứ mục tiêu nào trên đời
này đều có thể được chinh phục theo cùng một cách. Nó dựa vào một giả
định bất thành văn rất quan trọng: cờ vua và đánh gôn là những ví dụ tiêu
biểu cho tất cả hoạt động quan trọng đối với bạn.
Vấn đề là có bao nhiêu lĩnh vực trên thế giới và bao nhiêu thứ con
người muốn học và muốn làm, thực sự giống như cờ vua và đánh gôn?
Nhà tâm lý học Gary Klein là người tiên phong của mô hình chuyên
môn “ra quyết định theo bản năng” (Naturalistic Decision Making – NDM).
Những nhà nghiên cứu NDM quan sát các chuyên gia trong quá trình làm
việc theo bản năng và tìm hiểu cách họ ra các quyết định có tính rủi ro cao
dưới áp lực thời gian. Klein đã chứng minh rằng các chuyên gia trong nhiều
lĩnh vực giống với những kiện tướng cờ vua ở chỗ: họ đều có bản năng
nhận biết những mô hình quen thuộc.