- Tối qua, khi cậu về rồi, tớ đã thử kiểm tra các cảnh khác ngoài cảnh đứa
bé xem có bị hiện tượng đen màn hình hay không. Cậu thấy đấy, đây là kết
quả: chúng xuất hiện trong những cảnh 3), 4), 8), 10), 11).
- Thế còn trừu tượng và hiện thực là sao?
- Ta có thể chia mười hai phân cảnh này thành hai nhóm lớn. Những cảnh
trừu tượng mà ta có thể gọi là những cảnh tưởng tượng vì chúng chỉ tồn tại
ở trong đầu, và những cảnh hiện thực mà ta có thể nhìn được bằng mắt
thường vì chúng tồn tại thật. Tớ phân loại ra như thế.
Nói đoạn, Ryuji ngừng một lát.
- Thế nào, cậu có nhận xét gì không?
- Phải rồi, nhìn thấy màn hình chỉ bị đen trong những cảnh hiện thực.
- Đúng đấy. Trước tiên, cậu phải ghi nhớ kỹ điểm đó.
- Này Ryuji, cậu dẹp cái trò sốt ruột ấy đi rồi nói ngay cho mình biết nó có
ý nghĩa gì được không?
- Cậu đừng vội. Việc đưa ra kết luận trước sẽ làm cho trực giác trở nên trì
độn. Bằng trực giác, tớ đã đi đến một kết luận. Nhưng một khi đã khăng
khăng tin như vậy thì dù cho mọi hiện tượng có xoay đổi cậu cũng sẽ cố
tìm cách biện bạch cho nó. Ngay trong lĩnh vực điều tra tội phạm cũng vậy
phải không nào? Nếu ngay từ đầu cậu tin rằng thằng đó khả nghi thì mọi
chứng cứ đều là để chứng minh nó khả nghi. Tớ muốn cậu kiểm chứng cái
kết luận của tớ. Nghĩa là, tớ muốn biết cậu có cùng linh cảm với tớ từ
những sự việc này hay không.
- Hiểu rồi, cậu tiếp tục đi.
- Bây giờ, cậu hãy nhớ lại cái cảm giác lúc xem cuộn băng và kết hợp với
một thực tế là màn hình chỉ bị đen ở những phân cảnh hiện thực. Về cảnh
đứa bé thì như tớ đã nói hôm qua. Thế còn những cảnh khác thì sao? Ví dụ
như cảnh có rất nhiều mặt người này?
Ryuji lấy điều khiển từ xa bật lại cảnh đó.
- Nhìn kỹ những bộ mặt này nhé.
Vài chục khuôn mặt bị gắn chặt vào tường dần dần lui lại phía sau rồi nhân
lên hàng trăm, hàng ngàn cái. Nếu nhìn kỹ từng cái sẽ thấy chúng có nét gì
đó khác với những bộ mặt người.