những con rồng qua các triều vua Hoà kể đêm qua khiến Thăng thao thiết
mong gặp lại ngôi đình cổ với đôi rồng đá tuổi thơ. Vừa đến đầu làng, anh
cho xe lượn thẳng vào sân đình. Hoà nắm tay chồng cùng hớn hở chạy lại
quỳ bên con rồng đá. Thăng vỗ tay vào lưng vợ reo lên thích thú:
- Mình ơi! Nó uốn lượn mềm mại, bay bướm, uyển chuyển hình sin. Đúng
là rồng đời Lê rồi.
- Vâng. Đình làng mình có từ đời Lê. Em cũng không ngờ quê nội các con
có ngôi đình cổ đến như vậy. Mọi lần về quê đều sấp ngửa, vội vàng em
chưa ra sân đình lần nào.
- Anh nghĩ, rất có thể góp thêm tư liệu cho công trình nghiên cứu của em
cũng nên.
Hòa nhoài người bò lên thân con rồng đá. Chị áp sát cặp kính cận dày cộp
vào từng nét chạm sâu, từng đường uốn lượn của các hoạ tiết trên mặt, lưng
và bụng rồng. Hồi lâu chị ngẩng lên nhìn Thăng say sưa giải thích cho anh
ý nghĩa từng hoạ tiết. Thăng nghe vợ như uống từng lời. Anh bồi hồi xúc
động, thầm cảm phục Hoà. Cuộc sống quanh anh có bao cái đẹp, cái quý
giá mà anh hờ hững hoặc chưa chịu khám phá, cảm nhận được nó. Anh
nghĩ vậy và cảm thấy yêu đời hơn, gắn bó với làng quê nghèo khó, với
những con người quanh năm lam lũ mà rất hồn nhiên, không màng danh
lợi, không bon chen đấu đá, tranh cướp quyền lực. Chợt anh nhìn thấy bóng
Tươi chống nạng phăm phăm đi tới, sau lưng Tươi là Thảo là mấy đứa trẻ
nhỏ trong làng.
- Thăng về đấy phỏng? – Tươi hỏi như quát.
- Sao biết vợ chồng mình về mà ra đón?
- Đón điếc cóc khô gì. Mình nghe trẻ con trong làng kháo nhau có hai ông
bà lịch sự ngoài Hà nội, mỗi người đeo hai đít chai dày cộp, đang ở ngoài
sân đình xem con rồng đá nên đoán ngay ra vợ chồng ông thôi mà. Ngọn
gió lành nào đưa ông bà về quê đẩy, hử?
- Nhớ thì về chứ gió lành, gió dữ gì…
Thăng đẩy nhẹ vợ về phía Thảo. Hai người đàn bà thẽ thọt chào nhau, làm
thân rất nhanh và rủ rỉ tâm sự. Tươi vẫn nói oang oang như sân đình chỉ có
anh và Thăng.