Năm 1962, Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sáp nhập các cơ sở thành
xưởng sơn mài – lò gốm – thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu,
sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Bác Tuyền cho biết từ thời đó, Thành
Lễ đã tổ chức kinh doanh và tiếp thị rất có bài bản. Ông Thành Lễ giỏi tổ chức,
có tài năng chuyên môn và biết thu hút nhiều người giỏi từ các nơi như trường
Mỹ thuật Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa và Mỹ nghệ Bình Dương. Các họa sĩ dưới
trướng ông có nhiều người giỏi, từng đoạt các giải thưởng hội họa uy tín. Xưởng
Thành Lễ đã sáng tạo nhiều mẫu đẹp, giàu giá trị nghệ thuật. Nhiều mẫu mã chỉ
dùng một lần cho một tác phẩm nên giá trị nghệ thuật cao và là sản phẩm độc
bản.
Theo các tài liệu, ông Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập
khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng
tạo cho tới khi đạt tới giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế
độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng
lương. Riêng một mình họa sĩ Ba Tuyền trong suốt hơn ba mươi năm đi làm có
thể ung dung nuôi bảy người thân gồm cha mẹ, vợ và bốn người con đang ăn học.
Ông Thành Lễ thường đi nước ngoài nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng
thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng
phát triển, ông tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp
các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú
trọng giá trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến giá trị
nghệ thuật cao.
Nhờ tham gia nhiều hội chợ quốc tế và liên tục đoạt giải, sản phẩm của ông
tạo tiếng vang tốt. Dù vậy, ông không chạy theo lợi nhuận mà luôn đề cao chất
lượng. Ở mặt hàng sơn mài chủ lực, ông dùng nguyên liệu tốt nhất như ván ép En
Kounmé nhập ngoại, ván gỗ Teak (Giá tị) hoặc Gõ đỏ, Bời lời. Trong sơn mài,
nguyên liệu chính là sơn Nam Vang có độ bóng và màu sắc có vẻ đẹp riêng.