ông đã hướng tới việc mở thị trường sang Hoa Kỳ, xây dựng xưởng tại khu công
nghiệp Biên Hòa với 2000 nhân viên. Kế hoạch này bị đình trệ từ Tết Mậu Thân
và đã không thành vì Thành Lễ ngừng hoạt động từ năm 1975.
Những công trình sang trọng nhất của Sài Gòn trước 1975 đều đặt tác phẩm
Thành Lễ như phòng ăn dinh Gia Long với tranh sơn mài, khách sạn Caravelle
cũng có tranh Thành Lễ. Theo trí nhớ của bác Ba Tuyền, năm 1966, dinh Độc
Lập được khánh thành ngoài sự hiện diện của hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn
Ngôn là người của Thành Lễ, còn có một tấm Thảm len của xưởng Thành Lễ dài
40 mét phải hơn 40 người khiêng, khi đưa đến phải dùng xe rờ moọc dài mới tải
nổi. Khách sạn nổi tiếng Majestic cũng đặt một bức cửa lùa chạm thủng mang tên
“Đám cưới xưa”. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế khi đến Sài Gòn đã được giới
thiệu đến tham quan xưởng Thành Lễ. Bác Ba Tuyền còn giữ tấm ảnh thái tử
Sihanouk (Campuchia) thăm xưởng và đặt hàng vào những năm 60, như một kỷ
niệm quãng đời làm việc.
Theo họa sĩ Phạm Cung, làm việc tạo mẫu tại công ty Thành Lễ trước kia,
có lần khoảng đầu thập niên 1960 bên Nhật đặt tới 3 ngàn bức tranh sơn mài các
kích cỡ về Phan Bội Châu, người phát động phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20.
Làm xong một số lượng tranh rồi, họa sĩ Phạm Cung tìm được bức ảnh cụ Phan
đang chống gậy trong thời kỳ “Ông già Bến Ngự” cuối đời ở Huế. Bức tranh
được làm thử một tấm và khi phía Nhật thấy được, họ quyết định thay đổi mẫu
mã cũ, làm tiếp số tranh còn lại từ mẫu này. Ông Cung nhớ lại, tranh làm hoàn
toàn bằng gỗ dầu chứ không bằng ván ép như thông thường, khổ lớn nhất là
80x120cm. Qua đó, chúng ta hình dung được vai trò của cụ Phan trong tâm thức
của người Nhật.
Sau 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang sống ở Pháp, đất nước đã kết
nạp ông vào Hội Mỹ thuật quốc gia. Trong một bài viết trên trang mạng Hồn quê,
tác giả Bích Xuân cho biết “Tác phẩm sơn mài Thành Lễ được treo tại những
danh thự như Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II
tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại
Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santé)
tại Thụy Sỹ...”