Lúc đó, nhà của ông Lê Minh Tri, được xây cao trên nền đất đắp từ hàng
ngàn xe bò chở đất, là căn nhà tráng lệ, đẹp đẽ nhất ở khu vực Ngã Năm Bình
Hòa. Gia đình này được truyền tụng là giàu có nhất vùng, nhà xây kiểu phương
Tây từ đầu thế kỷ 20 trong khi các nhà khá giả khác gần đó như nhà ông Bang
biện Nguyễn Văn Chỏi vẫn làm nhà gỗ ba gian.
Giữa sáng mùa hè năm 2013, ông Lê Thành Công, tức Sáu Nhỏ, hiện là chủ
nhân ngôi nhà, tiếp tôi ở phòng khách nhìn ra khoảnh vườn nhỏ tiếp giáp mặt
đường Nơ Trang Long.
Ông Sáu sinh năm 1931, tức 82 tuổi nhưng vẫn được hưởng phước là sống
với mẹ ruột cho đến khi bà mất vài năm trước đây, thọ tới 103 tuổi. Ông nói:
“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá . Đó là nghề mang lại sự khá giả, nhưng không
kéo được lâu vì rất nghiệt. Ông nội và cha tôi làm nghề khai thác lâm sản, có lúc
hưng thịnh nhưng cũng có khi lao đao vì tranh chấp với những người có chức
quyền thời Pháp thuộc và chế độ cũ đến nỗi suýt phải tù tội. Đến đời tôi thì
không theo nghề đó nữa, có lẽ nhờ vậy mà còn giữ được căn nhà. Những đồng
nghiệp của ông, cha tôi hầu như đều khánh tận, sạt nghiệp”.
Ông Sáu còn nhớ lúc lên bảy tám tuổi, tuy là con nhà có của nhưng vẫn phải
ăn mặc giản dị với quần ngắn, áo bà ba trắng đi học ở trường Tổng. Mỗi ngày,
ông ra trước nhà đứng đợi xe bò, xe ngựa đi qua và xin quá giang đến trường.
Gần đó là một cái hồ tắm và vui chơi của lính Pháp, xây hàng rào kín mít và
không cho người Việt bén mảng tới. Có lần mẹ của ông phát hiện có cướp vào
nhà, bà sợ hãi nên la thật to và lính Tây đang giải trí ở hồ bơi vác súng chạy đến
khiến cướp sợ chạy mất. Ban ngày, chung quanh mát mẻ với cây cối xanh um,
gần đó còn có vườn cao su và cái nghĩa địa lớn được đồn đại là rất nhiều ma.
Tuổi thơ của ông đầy ắp chuyện ma, từ chuyện kể của anh cắt cỏ cho gia đình,
rằng vẫn nghe tiếng hú từ khu mồ mả của người Tàu sau nhà, cho đến câu chuyện
rất nhiều người tin là thỉnh thoảng có một cô đúng giờ Ngọ lại xuất hiện, ngoắc
xe ngựa đi, luôn im lặng cúi đầu suốt chuyến đi, tóc xõa dài che mặt và trả bằng
tiền vàng mã khiến mấy người xà ích không ai dám hỏi câu nào.