đua chánh đáng, những nỗ lực của những kẻ biết tự lương tự tri.
Trong khi có những thanh niên phóng đãng đã tiêu phí đời mình một cách vô
ý thức thì vẫn có vô số bạn trẻ khác lui tới thơ viện một cách siêng năng, ham đọc
sách, ham viết văn, chịu để linh hồn vào những vấn đề có quan hệ đến văn học và
văn hóa.
Nhơn những hoạt động đó mà nảy sinh ra một hạng công chúng có ý thức,
có thị hiếu để công nhận những việc làm tốt đẹp, để thưởng thức những tài ba
xuất sắc. Thành ra muốn xuất đầu lộ diện, kẻ thanh niên có tài ở khắp nơi đều
phải tới Sài Gòn để dự thi trước những vị giám khảo vô danh, tiêu biểu cho một
cái thông minh công cộng.
Cái thông minh công cộng đó kết tụ lại bằng những phần tử bác tạp vì Sài
Gòn là nơi hội hiệp của khách tứ phương. Người mỗi xứ, mỗi nước, đều có
những đặc tánh riêng, nhưng về phương diện tinh thần thì người xứ nào, nước
nào cũng đều có một phần trí khôn cống hiến vào cho cái trí khôn của công chúng
Sài thành.
Chúng ta đã thấy những tay ký giả Pháp cộng sự và những nhà viết báo
người Nam. Chúng ta còn thấy trong làng văn khăn khít những anh em Trung-
Nam-Bắc. Trước đây ở Sài Gòn người ta đã chờ từng kỳ tàu một để đọc những
sách vở, báo chí từ Paris gửi qua.
Đó là đời sống tinh thần của kinh thành ánh sáng truyền tới cho hòn ngọc
Viễn Đông. Nhưng hòn ngọc đó vẫn không tham lam mà giữ lấy một mình. Nó
thâu vào rồi nó phát ra ở những báo chí, sách vở, mà khắp nơi người ta đều thiết
tha trông đợi.
Nay sự giao thông với chánh quốc tạm dừng, song những phần tử trí thức
vẫn luôn luôn hoạt động để giữ cho đời sống tinh thần của thành phố Sài Gòn
được đẹp đẽ thanh quang giữa cảnh tối tăm gây nên bởi thời cuộc.
Mỗi lần có dịp đi chơi xa, tôi thường hăng hái lúc ra đi, nhưng lại lật đật
mong trở về để hô hấp cái không khí tinh thần của nơi thủ phủ miền Nam đất
Việt.