Bản in 1930 của tôi có 222 phụ bản bên cạnh 167 trang viết (bản 1919 chỉ có
157 trang viết). Đầu trang sách là lời đề tặng của tác giả gửi tới ba nhân vật: cựu
Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut, lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Thuộc
Địa, Vua Khải Định và M.J.E. Charles, cựu Công Sứ ở Trung Kỳ.
Về nội dung, mở đầu là bài Mỹ thuật ở Huế nêu cái nhìn tổng quan của L.M
Cadière. Sau đó là bài về “Thành phố, nhà cửa, bàn ghế, hàng thêu…” của E.
Gras. Tiếp theo có các bài của ông Cadière bao gồm “Các mô típ trang trí có tính
hình học”, “Mẫu chữ Hán”, “Tĩnh vật", “Hoa và lá, cành và quả”, “Động vật”,
“Điêu khắc” và “Phong cảnh”. Các hình vẽ được thể hiện tỉ mỉ, màu sắc từng
bức tranh rất đẹp, từ hơn chín mươi năm qua vẫn đủ hấp dẫn người xem, tạo được
ấn tượng mạnh mẽ về sự tinh tế của nghệ thuật chạm khắc, hội họa thời nhà
Nguyễn qua bàn tay nghệ nhân xứ Huế và cả nước tập trung về kinh đô đầu thế
kỷ 20.
Theo nhà văn Sơn Nam, cuốn L'art à Hué là tư liệu chuẩn mực về kiểu thức,
thiết kế họa tiết trang trí cho các chùa chiền lăng tẩm của cả Sài Gòn và đất Nam
bộ thời bấy giờ.