Nhà Sách Ở Đường Sabourain
Năm 1939, có một thanh niên Hà Nội cùng gia đình lên xe lửa xuyên Việt đi
từ miền Bắc vào Nam để lập nghiệp. Đến Sài Gòn, anh tìm mua một căn phố ở
đường Sabourain, nhìn ra cửa Tây chợ Bến Thành và mở một cửa hiệu bán sách
đặt theo tên mình - Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm.
Con đường này vốn tấp nập từ khi chợ Bến Thành được xây vào năm 1914.
Tên đường đặt theo tên ông Gustave Sabourain, là chủ đồn điền cà phê cao su ở
Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 và là hội viên, thư ký của Hội Tam Điểm tại Sài Gòn. Từ
thập niên 1920, đã có Nhà in Tín Đức thư xã ở số 37-38-39 trên đường này, xuất
bản nhiều sách tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử… là những
tác phẩm của thuở ban đầu trong văn học quốc ngữ Việt Nam, cũng như các
truyện Tàu Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa, Nhạc phi diễn nghĩa và các sách tiếng
Pháp.
Tuy chỉ tồn tại trong vòng sáu năm, Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm có ý
nghĩa không nhỏ trong đời sống văn hóa Sài Gòn thời đó. Năm 2010, tại Hà Nội
có mở cuộc triển lãm Lịch sử báo chí Việt Nam lần thứ ba, và lần này, cái tên
Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm được nhắc lại nhiều lần trên các báo đài, với vị thế
là Nhà tổ chức triển lãm Báo chí Việt Nam lần đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam.
Cuộc triển lãm năm 1943 tại Sài Gòn đã giúp người đọc trong nước và cả người
Pháp tại thuộc địa biết đến nền báo chí tuy non trẻ của nước Việt. Dù chỉ mới bắt
đầu từ năm 1865 với tờ Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký nhưng đã nở rộ rất
nhiều ấn phẩm từ Bắc chí Nam. Cuộc triển lãm này cũng là chặng dừng chân để
tạm tổng kết một chặng đường phát triển của nền báo chí Việt.
Ông Nguyễn Khánh Đàm là em ruột nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân. Theo
anh Nguyễn Lương Dân, cháu đích tôn của ông Nguyễn Khánh Đàm đang sống ở
Hà Nội, ông Đàm có tính cách khác với ông anh ruột. Trong khi ông Nguyễn
Tuân quảng giao thì ông Đàm lại có tính trầm lặng, ít nói. Vốn là em rể ông Vũ
Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân, ông Đàm vào Sài Gòn mở Nhà sách với
mục đích tạo lập việc kinh doanh ở một thị trường vốn rất sôi động việc đọc, kinh
doanh sách báo (tuy vậy đến giờ con cháu ông không rõ liệu công việc này có
phải là bình phong để hoạt động cách mạng hay không?). Theo gia đình, ông