Bìa kịch bản Sân khấu về khuya, vở kịch rất nổi tiếng của nghệ sĩ Năm
Châu
BẢNH TRAI SÀI GÒN
Người ta hay nói về tính cách đàn ông Sài Gòn với đầy đủ tính tốt, tật xấu.
Không mấy ai nói về diện mạo của đàn ông thành phố này. Sài Gòn thuộc miền
Đồng Nai, nơi mà trai xứ khác mong đến được để có thể vỗ ngực “Phú Xuân
cũng trải, Đồng Nai cũng từng” hay là “Nai Rịa Rí Rang” gì cũng biết, nên
tính quy tụ rất cao. Là đất cảng thông thương với quốc tế từ xưa, là nơi mốt
mới du nhập nhanh, phim ảnh sách báo đến sớm từ các chuyến bay, chuyến tàu
từ xưa nay. Lại là nơi nhiều môn nghệ thuật phát triển thịnh hành nên không
thể thiếu người đẹp, nam và nữ.
Lâu nay, các ngôi sao màn bạc Sài Gòn luôn tạo nên sức hút kinh khủng với
người thưởng ngoạn. Những năm gần đây, đi diễn ở các tỉnh, họ dùng vệ sĩ đi
theo để bảo vệ, nếu không sẽ bị đè bẹp trước làn sóng xin chữ ký của người
hâm mộ. Từ đó cũng xuất hiện những chuyện lỡ lầm của các thôn nữ chỉ vì mê
bóng sắc lời ca tiếng hát, vai mã thượng anh hùng của các tài tử kép hát ca sĩ
hào hoa. Chuyện đó có nhiều, không cần kể lể.
Người đẹp, ngoài vóc dáng khuôn mặt, còn nhờ trang phục và cách chưng
diện thời thượng và có phong cách. Kể từ thời Pháp thuộc, khi Sài Gòn thuộc
về Cochinchine là xứ thuộc địa, người Sài Gòn, nhất là giới làm việc cho Tây
nhanh chóng thay bộ áo dài khăn đóng để bận âu phục cho phù hợp với công
việc. Rồi xuất hiện lớp thợ cắt tóc theo đúng kiểu tây cho giới quan chức, lính
thuộc địa Pháp và cắt tóc cho cả giới quan chức Việt và người làm ăn kinh
doanh. Thanh niên Sài Gòn cắt tóc sớm nhất trong khi miền Trung và Bắc vẫn
phổ biến tóc dài búi tó và ít ra cho đến giữa thập niên 1920 vẫn còn ảnh hưởng
Khổng giáo từ cách ăn mặc, nói năng. Đầu thập niên 1920, khá đông công
chức Sài Gòn lương tháng 6 đồng hoặc 4 đồng “đã đua nhau diện âu phục: áo
“bành tô” cổ đứng, một hàng nút lớn bằng xà cừ kết ở giữa, đội mũ trắng,
mang dép da. Các bậc “ông” – như commis, thì mang giày tây do từ bên Tây
gửi sang bán với giá đắt, thường thường là loại giày bottin da đen, cao cổ”