(theo Nguyễn Vỹ - Tuấn chàng trai nước Việt tập 1, tác giả tự xuất bản
1969).
Thập niên 1950, nhìn chung đàn ông Sài Gòn biết chú ý đến hình thức vẫn
cố giữ nét lịch lãm ảnh hưởng của giới quan chức Pháp ở thuộc địa với tóc chải
để lộ vầng trán cao. Hình ảnh giới nghệ sĩ phản ánh điều đó, trong chân dung
lưu lại của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ca sĩ Duy Khánh, hai nghệ sĩ Hoài
Trung và Hoài Bắc Phạm Đình Chương. Là nghệ sĩ nhưng gương mặt sáng
trưng, thông tuệ như của giáo sư đại học.
Đến thập niên 1960 cho đến 1975, phim Mỹ trở nên phổ biến hơn. Các diễn
viên người Mỹ thể hiện vẻ đẹp đàn ông đa dạng, phóng khoáng, phong trần
nhưng không kém phần lịch lãm. Đó là vẻ điệu nghệ, quyến rũ và giễu cợt của
Clark Gable trong phim Gone with the Wind , vẻ bụi bặm của Charles Bronson
trong phim The Red Sun và vẻ điển trai công tử của Alain Delon trong cùng bộ
phim. Họ là hình mẫu để đánh giá vẻ đẹp đàn ông. “Đẹp trai như Alain
Delon!” là câu thành ngữ mới để đánh giá trai đẹp. Và sau này khi Nguyễn
Chánh Tín lần đầu xuất hiện trong phim Đời chưa trang điểm đóng vai Tuấn,
một chàng đẹp trai con nhà giàu thì dân gian sửa lại là “Đẹp trai như Nguyễn
Chánh Tín”. Khi Trần Quang diễn xuất với bộ ria mép, người Sài Gòn không
thể không liên tưởng tới Clark Gable hay nghĩ đến Charles Bronson khi xem
diễn viên Tâm Phan đóng phim.