Trong bức ảnh xưa, hai người thợ đang hoàn thiện mâm cúng. Sau lưng là
khung tranh, hai tủ đựng thức ăn có quai xách hình rồng dành cho quan lại
triều đình
Đồ cẩn ốc được chưng bày ở Sài Gòn hoặc các tỉnh Nam bộ đa phần xuất xứ
ở Huế hay Bình Định. Người biết dùng đồ thích nhất các món từ Huế, do Huế
là nơi tập hợp nghệ nhân làm đồ gỗ và cẩn ốc tài cao nhiều nhất nhằm phục vụ
triều đình, quan lại thời nhà Nguyễn. Nghệ nhân ở đó ảnh hưởng nghệ thuật
cung đình trong chế tác, trang trí đồ gỗ không bị cứng nhắc, khuôn mẫu mà
gần gũi với tự nhiên, trong trang trí chi tiết luôn có cuộc sống hiện thực, đó là
các loại hoa lá trong “tứ hữu” (mai, lan, cúc, trúc), các con thú gần gũi với đời
sống thường ngày như con cá, con trâu, con vịt... hoặc đôi khi lấy nguyên mẫu
các cây cỏ bình thường khác như bông lục bình, dây khổ qua, trái mướp, bí...
Họa tiết người thì tuồng tích quen thuộc như Tô Vũ chăn dê, Văn Vương cầu
hiền, Lã Vọng chờ thời... Kiểu trang trí ô hộc trong tủ gỗ Huế tạo tính hài hòa
và giúp thợ đầu tư tỉ mỉ trong trang trí từng ô hộc, kỹ thuật chạm lộng lại
nhuần nhuyễn, tài hoa. Nghệ thuật cẩn khảm xà cừ của người thợ Huế thành
công trong việc làm lộng lẫy sản phẩm.
Quả đựng trầu cau họa tiết “bướm hoa” rất chi tiết và tinh tế