xinh xắn như thiên thần của Ban Tuổi Xanh từ tivi bước ra, hát “trong veo”,
trong một buổi văn nghệ Tất niên ở sở Mẹ tôi làm. Đây nữa, Luận giới thiệu
tôi gặp những nghệ sĩ nổi tiếng, giờ đây “hồn muôn năm cũ”: Thanh Nga, Kiều
Hạnh,Trịnh Công Sơn, Trần Văn Trạch… Có những người ít khi ta nghe thấy
nhưng họ lại là những người đã góp phần làm ra và lưu lại ký ức Sài Gòn: nhà
nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu, đạo diễn Kha Thùy Châu, họa sĩ Duy Liêm…
Luận không chỉ ghi lại cái ký ức chúng ta từng có mà còn giúp chúng ta
khám phá thêm, tuyển chọn thêm những điều hay, tinh hoa của Sài Gòn xưa.
Nhà Luận ở Phú Nhuận nhưng anh “thơ thẩn” khá nhiều ngóc ngách Sài Gòn.
Luận làm báo nhưng cũng là người sưu tầm lịch sử, chịu khó làm quen đủ
người tứ xứ. Anh tìm hỏi từ trí thức, nghệ sĩ đến doanh nhân, thợ thuyền và
giới bình dân. Anh ghi lại câu chuyện nghe được, biết được từ gia đình, thân
hữu và người dưng trước lạ sau quen. Không những thế, anh còn sục sạo các
thư viện và những tủ sách, album ảnh gia đình. Luận có nhiều “hàng độc” để
viết lắm: những căn nhà cổ, những bức tranh giấy và tranh kiếng Lục Tỉnh
Nam Kỳ, những tấm ảnh “minh tinh, tài tử”, những tờ nhạc, tập báo, quyển
sách xưa hiếm. Anh “moi móc” từ những vựa ve chai ngoài đường và trên
mạng cho đến những sưu tập cá nhân ở Việt Nam và hải ngoại, để đưa ra
những tư liệu không chỉ bằng chữ viết, chữ in mà còn là hình ảnh, lời kể, bức
tranh, bức tượng, cuộn phim sống động. Tất cả những nhân chứng, vật chứng
ấy, thấm đậm - cái nôn nao đi tìm sự thật và vẻ đẹp của ngày xưa và người xưa.
Thấm đậm - cái cách anh yêu Sài Gòn không ồn ào mà lại sâu lắng... Và rồi,
trên cái vốn thông tin và tư liệu giàu có đấy, để viết được thành sách, Luận có
được một sự quan sát tỉ mỉ và tìm kiếm nhẫn nại. Luận có được một thần thái,
một cách viết nhẹ nhàng, không cần điệu nghệ, không cần khoa trương mà vẫn
cháy bỏng tình yêu đất và người.
Tôi đọc và “khen” anh, và rồi, thật mắc cỡ, có lúc tôi “ghen” với anh. Tôi tự
trách mình sao không viết thành sách, sao không kể bằng ảnh bằng phim
những câu chuyện Sài Gòn, những con người Sài Gòn mà tôi đã biết từ lúc mê
viết, mê sử đến giờ. Ôi, hóa ra, sách của “ông già 6x” đã và đang đốt lên dữ dội
hơn nữa, trong tôi và có lẽ nhiều người yêu Sài Gòn, không chỉ là nỗi nhớ mà
còn là nỗi lo lắng, sự thôi thúc phải ghi chép lại, phải giữ gìn được những điều