ĐỪNG ĐỂ SÀI GÒN THÀNH “THE
LOST CITY”!
Phúc Tiến
…Sài Gòn cuối mùa mưa – vẫn những cơn mưa chiều nũng nịu, lúc dài lúc
ngắn. Thế nhưng, mưa những ngày tháng Tám, tháng Chín năm nay có khác.
Thấy mưa cứ thêm buồn bởi vì trung tâm Sài Gòn, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê
Lợi đang ngổn ngang những hàng rào, lô cốt “đại công trường” - có gì vui?
Nhìn xem, hàng cây xanh trăm tuổi trước cửa Nhà hát lớn: cưa trụi! Cái bùng
binh - đài phun nước và hàng liễu đã quen thuộc hơn 50 năm - bị bứng mất!
Tòa nhà Thương xá Tax đóng cửa, hấp hối trước tin một tòa nhà 40 tầng nào
đấy sẽ thế chỗ... Chỉ vài năm nữa, thậm chí vài tháng nữa thôi, những kiến trúc
xưa đẹp, những cảnh quan tiêu biểu còn sót lại ở khu trung tâm thành phố sẽ
tan biến đi đâu đấy. Cho dầu, cuộc sống bao giờ cũng phải phát triển nhưng cái
giá cho sự thay đổi ký ức trăm năm của một thành phố nếu cứ phải như thế thì
buồn lắm chứ, đau lắm chứ, ức lắm chứ!
Chính trong những ngày mưa buồn như vậy, khi được Phạm Công Luận trao
cho bản thảo tập Hai Sài Gòn - chuyện đời của phố, tôi càng đọc càng thấy
rưng rưng. Hóa ra, Luận đã và đang âm thầm góp nhặt những mảnh vỡ của một
Sài Gòn lấp lánh đa dạng cho trước nhất - thế hệ 50 tuổi của chúng tôi. Cảm ơn
Luận, từ hồi đọc tập Một và bây giờ tập Hai, tôi gọi anh là “ông già 6x, “ông
Sơn Nam 6x” đang cho chúng tôi xem lại cuốn phim ký ức Sài Gòn từ thuở thơ
ấu của mình. Có lẽ những bạn “ngũ thập” và các bậc cao niên hơn nữa, khi đọc
những chuyện đời do Luận chắp bút, sẽ nhận ra nhiều kỷ niệm tưởng chừng đã
mất, song hóa ra vẫn còn đâu đấy thanh thoát. Với tôi, Luận đưa tôi trở lại
“vương quốc” chợ Bến Thành, giản dị mà kỳ diệu từ những hình phù điêu ở
bốn cửa chợ, cho đến những phận người nổi trôi theo các sạp hàng. Từ chợ
Bến Thành, anh dẫn chúng ta đến Lăng Ông, Bà Chiểu, từ con phố Lê Công
Kiều nhỏ xíu đến cả dinh Độc Lập khổng lồ… Và rồi, thật bất ngờ, Luận cho
tôi gặp lại Ban nhạc Tuổi Xanh ngày nào trên “Truyền hình băng tần số 9”. Ô
hay, tôi gặp lại nỗi hồi hộp vào tuổi 12-13, khi bỗng dưng thấy một cô bé ca sĩ