Đến đầu thập niên 1960, xu hướng tranh bìa báo Xuân đã dần dần yếu thế.
Lúc đó, sân khấu cải lương và tân nhạc đang hồi mạnh mẽ với nhiều gương
mặt đào, kép, ca sĩ đẹp, có tài. Đã vậy, kỹ thuật nhiếp ảnh cùng các thiết bị
máy móc nhập cảng đã thúc đẩy bộ môn nhiếp ảnh phát triển. Kỹ thuật in ấn
cũng tiến bộ hơn. Công chúng đòi hỏi được tiếp cận hình ảnh nghệ sĩ mà họ
từng xem biểu diễn trên sân khấu. Ảnh bìa các báo lần lượt đưa lên bìa hình
ảnh nghệ sĩ được chụp công phu trong các studio Bình Minh, Viễn Kính. Tranh
của các họa sĩ vẽ cho báo xuân vẫn còn được ưa chuộng nhưng đã lùi dần vào
bìa sau các tờ báo Xuân. Cách thể hiện này còn lai rai cho đến năm 1975. Các
họa sĩ chuyên vẽ bìa báo xuân dù sao còn nhiều việc khác như vẽ bìa nhạc, bìa
sách, sáng tác tranh. Riêng họa sĩ Lê Minh, ông trở nên nổi tiếng với tranh bìa
truyện kiếm hiệp Kim Dung. Ngoài ra, ông tập trung sáng tác vẽ tranh “tứ
bình”. Đó là những bộ truyện tranh vẽ các truyện tích Việt Nam như Lâm Sanh
- Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa, Mục Liên - Thanh Đề... đề cao trung
hiếu tiết nghĩa. Loại tranh này in màu, có bốn tờ khổ lớn và dài được tặng thêm
làm phụ bản cho báo xuân. Người đọc mua báo về cất lại tờ tranh để... dán lên
vách như cách họ đã dán bìa báo xuân trước kia vậy.
Tranh liên hoàn vẽ các tích truyện xưa bán rất chạy cách nay nửa thế kỷ do
họa sĩ Lê Minh vẽ