báo Playboy mở loại công ty du lịch như vậy. Ông Kha Thùy Châu nhớ lại:
May là bức thư chỉ đứng tên công ty, không có chữ ký cụ thể của ai, nên thoát
nạn!
Đến năm 1963, trước khi ông Diệm bị lật đổ, tình hình làm ăn càng lúc càng
khó khăn đối với ngành phim ảnh. Ông Nguyễn Văn Liêm, lâu nay chuyên
nhập cảng phim Nhật, gặp sự cạnh tranh của các hãng nhập về phim Mỹ đang
được ưa chuộng. Đã vậy, khi ông nhập cuốn phim Đức Phật Thích Ca về,
chính quyền họ Ngô không cho chiếu. Chi phí bỏ ra cao lại không thu hồi vốn
được, ông Liêm đóng cửa công ty Hoàn Kiếm và dẹp tiệm luôn công ty S.S.C.
Đến giữa thập niên 1960, chiến tranh lan rộng, việc đi du lịch đối với dân
miền Nam càng trở nên khó khăn, chỉ từ Sài Gòn đi Vũng Tàu cũng bị dừng xe
xét giấy tờ thường xuyên hoặc có khi phải quay về vì đường bị “đắp mô” tức bị
đặt mìn. Đến năm 1968 sau tết Mậu Thân, số khách du lịch giải trí nghỉ hè sụt
giảm hẳn, kể cả với giới có tiền. Về du lịch quốc tế, khách đến từ nước ngoài
khá đông nhưng chủ yếu là làm ăn, ngoại giao, việc quân sự, thăm gia đình. Số
người Việt ra nước ngoài sau thời điểm đó tăng hơn nhưng chủ yếu là xuất
ngoại mua bán hàng hóa khan hiếm và quý kim (do lúc đó có sự hạn chế, cấm
chỉ hay đánh thuế nặng của Bộ Kinh tế với hàng xa xỉ).