Yến, Viễn Đông… Ăn uống thì có các nhà hàng ngon là Đồng Quê, Trung
Thành, Calypso, bò bảy món Au Pagolac, Duyên Mai, Ánh Hồng. Cơm Việt tại
Nam Đô. Món ăn Ý ở La Dolce Vita, Pizzeria. Món Tây Ban Nha ở Paprika.
Món Pháp ở Arc-en-ciel, d’ Admiral, de Bodega, Caruso, Le Cave. Món Hàn
có Arirang House, New Seoul. Món Nhật có Fuji Nikko. Món Tàu có Đồng
Khánh, Văn Cảnh, Bát Đạt, Quốc Tế, Bồng Lai. Đặc biệt đến nhà hàng
Maxim’s với các món Tây, Tàu có ca vũ nhạc đặc sắc. Còn quán cà phê thì có
nhiều quán rải rác ở các đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi như La Pagode,
Givral, Brodard, Pôle Nord… Ngoài ra, còn có các tiện nghi khác đối với du
khách như sau khi đi tham quan các nơi có thể may lấy ngay các bộ âu phục
với đường may thanh nhã không kém ở châu Âu và lúc đó thợ may người Việt
đã có tiếng may khéo. Trước khi người Mỹ đến 1965, công may lại rất rẻ. Các
tiệm may nổi tiếng là Đô Hội, Văn Quân, Tân Tiến… Đi mua sắm thì có sản
phẩm da, giày và thắt lưng, đặc biệt là giày bằng da voi rất được ưa chuộng.
Các sản phẩm bằng đồi mồi, búp bê Việt Nam bận áo dài, guốc Đa Kao, sơn
mài của hãng Thành Lễ, Trần Hà hay Mê Linh. Buổi tối đi chơi thì đến xem
phim các rạp Rex, Đại Nam, Eden, Palace, Oscar… Muốn nhảy đầm có Tự Do,
Văn Cảnh, Queen Bee, Baccara. Muốn say sưa thì đến các snack bar ở trung
tâm Sài Gòn. Xem sân khấu cải lương, thoại kịch về đêm thì đến Quốc Thanh,
Nguyễn Văn Hảo, Olympic…
Tuy có một số lợi thế nhất định, ngành du lịch miền Nam đầy dẫy khó khăn.
Cuộc chiến tranh đã tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng, đường xá và một số lăng tẩm.
Ngân sách nhà nước lúc đó cho du lịch rất ít, kinh phí hằng năm được cấp phát
quá ít, vào khoảng 400.000 đồng tiền VNCH, chỉ đủ mua được 1/3 chiếc xe
hơi du lịch Toyota. Ngành du lịch lúc đó mơ tới một ngân sách khoảng 80 ngàn
USD (ngang với Đài Loan), thay vì chỉ 7 ngàn USD như lúc đó, để đủ tiền làm
một cuốn phim màu về du lịch mỗi năm, in 500 ngàn cuốn sách chỉ dẫn, 5 tấm
bích chương mới về thắng cảnh và bản tin tức hằng tháng. Giới du lịch ganh tỵ
với câu chuyện là ở Campuchia, ông hoàng Sihanouk cùng nhân viên trong
hoàng cung đi đóng phim màu, ngoại cảnh là các cảnh đẹp trên đất nước họ,
nhất là ở khu đền Angkor. Sau đó, người bên đó tổ chức Đại hội điện ảnh các
nước trong vùng, tự chấm phim mình giải Nhất để lấy uy tín hầu đem phim đi
chiếu ở các nước, nhất là Mỹ và Tây Âu để mở rộng thị trường du lịch của họ.