HOÀI VỌNG TÂN ĐỊNH – ĐA KAO
Chỉ cách nhau một chiếc cầu thôi, Phú Nhuận của tôi lúc nào cũng là khu đô
thị hiền hòa, an phận so với vùng Tân Định – Đa Kao phồn hoa. Đi quá cầu
Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn. Con đường
Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng cả sang trọng
như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ, năm nào vào đầu mùa gió
chướng cũng đổ lá và mùa hè lại trút những cánh hoa dầu xoay lên đầu
khách qua đường và trên những mái ngói của đình Nam Chơn.
Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đầu đường Trần Quang Khải
vẫn nhắc tới giáo sư – nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên
chiếc xích lô đạp đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan,
nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có tới hơn 90 học
sinh, ngồi chen chúc như cá mòi hộp.
Anh nhớ đầu tháng 11 năm 1963, sau ngày ông Diệm bị lật đổ, trước
trường giăng một biểu ngữ lớn có những câu thơ của thầy Vũ Hoàng
Chương: “Bao chiến công từ xưa tới nay/ Sáng lên vì bởi chiến công này/
Lòng dân họng súng mười phương lửa/ Trở lực nào cũng phải bó tay/ Giữa
cơn chiến thắng nồng say/ Cùng hô: nước Việt đến ngày vinh quang/ Nam
nữ sinh trường Văn Lang/ Mượn lời thi sĩ Vũ Hoàng kính dâng…”
Gần chục năm sau thời đi học, anh chở tôi bằng chiếc Honda Dame mới
toanh vừa mua được nhờ đồng lương giáo chức, hãnh diện chạy qua khu
Tân Định, chỉ ngôi trường cũ và chở tôi đến Yiễm Yiễm thư quán của một
ông thầy khác – nhà thơ Đông Hồ. Ở đó, anh mua cuốn sách Tục ngữ phong
dao bìa màu nâu của Nguyễn Văn Ngọc và từ đó, nó trở thành cuốn sách mà
tôi mê mải đọc đi đọc lại suốt thời thơ ấu cho đến khi bị thất lạc. Yiễm Yiễm
thư quán nhỏ thôi, nằm trên con đường nhỏ Trần Văn Thạch, nay là Nguyễn
Hữu Cầu. Đến thư quán, anh tôi ngó nghiêng vào nhà trong nhưng không
thấy ông thầy nhà thơ của mình đâu cả. Anh bảo ở giảng đường Văn khoa,
thầy giảng bài rất say sưa, thích bận áo dài thâm. Ở nhà, thầy thích chưng
hoa cúc hay phong lan, viết câu đối, xông trầm thơm ngát, nhất là khi Tết