đến. Quý mến thầy, anh sửng sốt khi nghe tin ông bị đứt mạch máu chết trên
giảng đường Văn khoa lúc giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang.
Lúc đó, anh đang dạy học tuốt trên biên giới Việt – Miên và chỉ biết thương
vọng từ xa. Yiễm Yiễm thư quán, khoảng giữa thập niên 1980 khi có dịp đi
ngang đó, tôi vẫn thấy còn tấm bảng hiệu trên cao, cửa nhà đóng im ỉm.
Ông Dương Hữu Đạt tuy sống trên đường Trần Quý Khoách nhưng lại
cảm thấy gắn bó với khu Đa Kao, nơi ông sống từ hồi nhỏ trên con đường
Albert Premier, nay là Đinh Tiên Hoàng, đoạn quận I. Ông cho rằng người
Sài Gòn thời đó sống chân chất, hiền lành hơn, mâu thuẫn giữa người Việt
và Pháp cũng không gay gắt. Ông nhớ những người dân nghèo từ lục tỉnh
lên sống lang thang trên đường phố khu Đa Kao, đánh giày hay bán sách
dạo in bằng tiếng Pháp cho những bà đầm, anh lính hay viên công chức
người Pháp. Họ kiếm sống từng bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn tiện và
không tham lam. Nhiều lần ông thấy những người lính Tây say rượu nằm
lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp chỏng chơ bên lề đường. Mấy người
đánh giày hay bán sách dạo dựng xe của họ lên, đạp mấy vòng phố xá chơi
cho biết rồi đem đặt trở lại bên ông Tây say mèm. Những người đạp xích lô
đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường này chờ khách. Họ thích
uống cà phê bít tất, còn gọi là cà phê vợt hay cà phê kho, đổ ra dĩa cho mau
nguội, uống nhanh để còn lo chạy mối. Trong khi chờ khách, họ nằm khểnh
đọc báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu
Lăng Quân, Phi Long… Ông Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng
thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc
báo và có khi đọc sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm
sống lề đường bên Pháp.
Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự
tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm - tên thường gọi phụ nữ người
Hoa. Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin cậy,
trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây mà họ trông nom, cho ăn, đưa
đi học mỗi ngày. Bù lại, họ trung thành với chủ, sạch sẽ, nấu ăn ngon, dạy
dỗ và thương yêu đám con nít. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này