Làm món mì xào ở quán Chấn Phát, quận 11. Ảnh: Nguyễn Đình.
Ra về, Toàn miên man kể về mẹ anh khi chưa ra nước ngoài sinh sống.
Đến mùa nắng bà nấu lạp chạp xà, với đủ thứ cây cỏ để giải nhiệt cho con,
bao gồm các vị thuốc thiên nhiên như mục mìn phá (mộc miên), cúc phá
(hoa cúc), cắm ngành phá (kim ngân hoa), danh xành (nhân trần) và ma khô
(gốc rạ)… Có khi bà nấu loèng trxà (lương trà) hay pạc chánh (bát trân
thang) có các vị đương quy, xuyên khung, thục địa, bạch hược, bạch truật,
cam thảo, đãng sâm uống cho đẹp da… Anh uống các thứ nước như uống
tình thương của mẹ, là con nhà thuốc Bắc nhiều đời lưu lạc từ Trung Hoa từ
đầu thế kỷ 20 đến Sài Gòn mở hiệu thuốc trên đường La Grandière (Lý Tự
Trọng). Đến giờ, khi chế biến thuốc cho khách, ngâm rượu hay bốc thuốc
nấu gà ác, anh lại nhớ đến người mẹ ở xa và người cha đã khuất cũng là một
thầy thuốc.
Ở Nhật có món Tempura rất nổi tiếng, được xếp trong những món đặc
trưng của ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Thật ra món ăn này có xuất xứ từ
châu Âu rồi truyền đến Nhật từ giữa thế kỷ thứ 16 theo chân người Bồ Đào
Nha. Tôi nghĩ về các món ăn gốc gác Trung Hoa từng ăn hồi nhỏ cho đến
hơn nửa thế kỷ nay. Đó vẫn là những món ăn của người dân tộc Hoa, nhưng
nhiều người Việt khi đi qua Hồng Kông, Đài Loan hay Trung Quốc bảo rằng
không tìm thấy các món giống như vậy để ăn, theo khẩu vị ở Sài Gòn, Chợ
Lớn họ thấy quen thuộc. Các món đó đã được Việt hóa qua năm, qua tháng
và đã nằm trong ký ức thân thương của người Sài Gòn từ hồi còn bé thơ,
phần nào tương tự như món tempura đối với người Nhật. Riêng với tôi, cục
lạp xưởng ăn với cơm trắng chan một chút nước mắm y, hay tô mì Xẩm Ba
Xẩm Tư là những món ăn tuyệt vời tuổi nhỏ, góp phần tạo nên những điều
đẹp đẽ khiến tôi luôn thấy yêu thương thành phố này. Bao lớp hậu duệ của
người Minh Hương, tiếp theo đó là di dân người Hoa và cư dân Việt đã góp
phần tạo nên diện mạo một thành phố đa dạng về văn hóa sống, nhất là trong
ẩm thực. Đó là điều cần ghi nhớ và trân trọng.