sành điệu đất Sài Gòn cũ. Danh tiếng các tiệm như Ích Tân, Xuân Lâm
chuyên may đồ Tây cũng nằm trên đường Amiral Dupré, rồi tiệm Tân Tân
cũng may đồ Tây phía bên đường Catinat (Đồng Khởi), tiệm Phúc Lợi may
đồ đầm ở Pasteur, tiệm Xuân Sơn và tiệm Bình bên Nguyễn Thiệp... lan xa
xuống miệt lục tỉnh, miền Trung. Đa số các tiệm may lớn này là của người
gốc miền Bắc vào Sài Gòn từ trước Thế chiến thứ Hai, chiếm lĩnh lãnh vực
may mặc, giống như những người đồng hương của họ làm trùm về nghề
đóng giày ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn).
Ở số 68 đường Amiral Dupré, có một tiệm may mở trước Thế chiến thứ
Hai, tồn tại ở Sài Gòn trong suốt sáu mươi năm cho đến khi đóng cửa năm
1991. Tiệm mang tên Kim Sơn. Đến nay, con cháu của những người chủ
tiệm vẫn giữ niềm tự hào về nghề nghiệp mà cha mẹ mình theo đuổi lâu đời,
tạo được tiếng tăm trong giới may mặc Sài Gòn xưa.
Năm 1928, chàng thanh niên mới lớn mười lăm tuổi Lương Văn Thí nhận
ra rằng công việc đồng áng bán lưng cho trời bán mặt cho đất khó có tương
lai. Rời quê hương Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam, anh Thí về Hà Nội cố gắng
tìm học một nghề. Ban đầu, anh học đóng giày, học may Âu phục rồi học
làm nón. Đeo đuổi một thời gian, anh thanh niên đầy ý chí này thấy rằng
làm nghề gì cũng không bằng chuyên may trang phục đầm cho phụ nữ lúc
đó. Phụ nữ khi có điều kiện, nhất là phụ nữ Pháp ở Hà Nội thường thích
may sắm cho mình nhiều loại trang phục. Người thầy dạy nghề ban đầu của
anh có quen một người chuyên may đồ đầm đã giới thiệu cậu học trò sang
đó học nghề. Anh sang đó “học thí công”, không kể giờ giấc, chuyên tâm
học nghề may và tận tụy làm nhiều việc khác ở nhà thầy, được thầy rất quý
mến và truyền hết sở trường.
Sau ba năm chuyên chú, anh Thí tìm vào Sài Gòn, đất thuộc địa phồn hoa
đô hội với nhiều hy vọng. Tàu cập bến Nhà Rồng, anh lên bờ, đến đường
Amiral Dupré chỉ cách đó vài trăm mét, ngay góc đường Catinat. Ở đó có
một căn phố dài hai mươi mét, ngang bốn mét trên miếng đất của ngôi đền
Hồi giáo gần đó đang muốn sang nhượng. Không bỏ lỡ cơ hội, anh bỏ tiền