Đầu thập niên 1960, trang phục truyền thống Việt vẫn có chỗ đứng bên
cạnh trang phục Âu Tây trong các lễ quan trọng như đám cưới. Ảnh tư liệu
của Phạm Hoàng Việt.
Với đám thanh niên nhà khá giả có ăn học thì ăn bận tươm tất hơn: “Áo
bà ba vải xe lửa hoặc vải bô-bơ-lin (popeline) trắng tinh, hồ, ủi thẳng nếp,
mang guốc vông, đội nón cối trắng hiệu 'Con Gà'. Đó là mấy cậu học sinh
trường Petrus Ký hoặc tư thục Lê Bá Cang. Còn nếu thanh niên đã học xong
lớp Nhứt, đậu bằng Sơ học yếu lược ra đi làm việc thì ''bận đồ Tây: quần
tây dài, áo sơ mi luôn bỏ vào quần, mang giày Bata, mang giày xăng-đan…
Cậu nào sắm được một cái đồng hồ đeo tay là sang hết cỡ!”
Với người lớn làm nông thì “đàn ông nhiều người bới tóc, hút thuốc rê…
Làm ruộng, làm mướn thì bận quần cụt, áo bà ba vải đen hay ở trần. Đi
công chuyện mới bận đủ bà ba, đen hoặc trắng. Có guốc thì mang guốc,
không có thì đi chân không…”.