tính đặc thù. Những ảnh hưởng từ phương Tây, rồi từ văn hóa Mỹ lên cách
ăn mặc của đàn ông Việt cả thế kỷ qua có nhiều điều độc đáo cần quan sát
và nghiên cứu.
Từ trước 1954, nhiều người từ miền Bắc và Trung chuyển vào sống ở Sài
Gòn. Họ mở các dịch vụ trang phục như đóng giày da, may quần áo, làm mũ
nón. Họ đáp ứng nhu cầu trang phục của người Pháp và cho cả giới công
chức, viên chức trẻ người Việt. Họ mở tiệm may đồ vest, đồ đầm ở khu
trung tâm Sài Gòn, trên đường Catinat (Tự Do) hay Charner (Nguyễn Huệ),
Bonard (Lê Lợi), mở tiệm bán giày dép ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn)
hay mở xưởng đóng giày ở phía quận 4. Ngoài ra, còn có hàng hóa nhập
khẩu từ bên Pháp và các nước, có đủ thứ phục vụ việc chưng diện của các
quý ông từ nước hoa, cravate, mũ, khăn mùi xoa, khuy manchette, đồng hồ
hay kim kẹp cravate... Các sản phẩm này giúp cách ăn mặc tân thời của đàn
ông Sài Gòn định hình dần, không chỉ trong giới trung hay thượng lưu mà
người bình dân cũng đã biết học theo để hòa nhập vào xã hội, miễn vừa túi
tiền của mình.
Ở vùng ngoại ô Sài Gòn – Gia Định, cách ăn mặc của đàn ông chậm thay
đổi nhất. Ông Tiền Vĩnh Lạc, sống ở Úc, trong cuốn “Làng cũ người xưa”
chỉ lưu hành trong thân hữu kể về trang phục trai làng An Nhơn ở Gò Vấp
(khoảng đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp) cách nay sáu bảy
mươi năm như sau: Với thanh niên ngoại ô làm nông thì: “Ở nhà, mấy cậu
bận quần cụt, ở trần. Trời lạnh thì bận thêm cái áo bà ba đàn ông. Quần áo
đàn ông thường may bằng vải săn đầm đen, hoặc vải xe lửa trắng (đầu vải
in nhãn hiệu chiếc xe lửa). Ra đường, xỏ thêm cái quần dài đen hay trắng,
quần thường chứ không phải 'quần tây'. Đa số đi chân không để đầu trần”.