mắt sâu, ăn không tiêu, quạu quọ, có khi bướng bỉnh, ngủ mê man mà
không say, thường nhức đầu, không chú ý được vào bài vở, học không kết
quả.
Phải cho chúng hoàn toàn nghỉ ngơi ở nhà quê, ăn những thức ăn bổ và vận
động một cách điều độ, họp với sức chúng.
d. Lại có những trẻ suy nhược, khi ta bảo làm một việc gì dù rất dễ, chúng
cũng trả lời: “Tôi làm không được”. Mà chúng làm không được thật. Chúng
suy nhược từ hồi nhỏ, không suy nghĩ, hoạt động, tới mơ mộng cũng không.
Tật của chúng do gan hoặc hạch trên thận suy. Phải trị lâu mới hết.
e. Sau cùng, có hạng tinh thần vụng về. Chúng chăm chỉ lắm, nhưng luôn
luôn kém bạn. Phạt chúng thì thật là bất công. Thường chúng vụng về cả
trong cử chỉ, ngôn ngữ. Muốn dạy dỗ chúng, phải theo những qui tắc của
Decroly đã kể ở trên.
2. NGUYÊN NHÂN VỀ GIÁO DỤC
Có ba nguyên nhân:
a. Cha mẹ bỏ thí con - trường hợp này thường xảy ra ở xã hội ta. Mười gia
đình không có được một săn sóc đến trẻ; trẻ vốn ham chơi không có ai kềm
thúc, tất sinh làm biếng.
b. Có khi trái lại, cha mẹ săn sóc tới con quá. Trường hợp này hiếm hơn
nhưng kết quả rất tai hại. Nhiều người cha đánh đập, rầy mắng trẻ hoài:
“Mày là đồ vô dụng, đồ ngu, ăn uổng cơm tao”... không bao giờ an ủi
chúng, khen lấy chúng nửa lời, vì có khi nào chịu nhận thấy sự gắng sức
của chúng đâu. Thành thử chúng sợ, quá chán nản, lần lần hóa ra đần độn.
Ta nên nhớ rằng trẻ không được âu yếm trong gia đình thì học hành khó tấn
tới.